Sự đóng góp to lớn của ngành Tài mậu trong hai cuộc kháng chiến không chỉ là niềm vinh dự lớn lao của các thế hệ cách mạng trong ngành, mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân ba tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa về sự trưởng thành của ngành Tài mậu trong lịch sử và sự kế tục vẻ vang của ngành Tài chính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc - Ảnh: M.NGUYỆT
Tôi xin phép thắp một nén nhang lòng tưởng niệm hàng ngàn liệt sĩ của ngành Tài mậu 3 tỉnh, trong đó có 581 liệt sĩ ngành Tài mậu Phú Yên, đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi chân thành biết ơn các đồng chí thương bệnh binh, các vị tiền bối cách mạng của ngành.
Lịch sử mãi mãi ghi công các thế hệ cách mạng ngành Tài mậu trong pho sử vàng của dân tộc và từng địa phương về những chiến công hào hùng trong hai cuộc kháng chiến. Quá khứ vẻ vang tiếp sức mạnh ý chí, tinh thần cho hiện tại và hướng về tương lai ngày một tươi sáng của quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập do Đảng ta lãnh đạo.
Đảng bộ và nhân dân Phú Yên rất tự hào về ngành Tài mậu trong hai cuộc kháng chiến có bề dày truyền thống vẻ vang được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 12/2000. Sự kiện này là một trong những nét son quý giá trong pho sử vàng truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, mà còn là một trong những dấu ấn đầy ý nghĩa trong bề dày truyền thống 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển.
Từ thời khai hoang lập làng nhiều thế kỷ trước, nhân dân ba tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa đã có mối quan hệ khắng khít, sâu đậm tình đồng bào ruột thịt được thể hiện qua câu ca dao sống mãi với thời gian:
Ai về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em
Với tình cảm ấy, trong hai cuộc kháng chiến, trong lao động xây dựng hòa bình và trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay, ba tỉnh càng gắn bó mật thiết vì sự nghiệp chung và vì sự phát triển từng tỉnh. Tôi xin phép được nêu một đôi điều lịch sử ngành Tài mậu Phú Yên gắn bó chặt chẽ với hai tỉnh anh em láng giềng thân thiết Bình Định và Khánh Hòa. Tính đặc thù xuyên suốt của Ngành Tài mậu Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến là phát huy nội lực, tự túc tự cấp, tự lực cánh sinh. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Ngành Tài mậu Phú Yên được hình thành và bắt tay ngay vào việc phát động tuần lễ vàng, tuần lễ đồng để đóng góp cho Trung ương và tạo nguồn chi phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ ngày một vững mạnh, đủ sức làm chủ tỉnh tự do Phú Yên trong vùng tự do Khu V. Ngành Tài mậu Phú Yên chẳng những nỗ lực tự túc tự cấp, huy động sức dân trang trải cho các nhu cầu bức thiết của công cuộc kháng chiến kiến quốc từ tỉnh đến cơ sở, mà còn chi viện cho các lực lượng của Trung ương, Khu V và các tỉnh bạn láng giềng.
Ngành Tài mậu Phú Yên đã cung cấp lương thực thực phẩm cho 5 chi đội quân Nam tiến (tương đương 5 trung đoàn) đứng chân tại Phú Yên để chi viện cho cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cung cấp hậu cần cho Bộ Tư lệnh Khu 5, đại diện Ủy ban hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam đặt trụ sở tại Phú Yên, Bệnh viện Quân y 5, Công binh xưởng Khu V. Cung cấp thường xuyên cho 3 trung đoàn 80, 83, 84 Quân khu 5 đứng chân tại Phú Yên chiến đấu ở chiến trường Khánh Hòa và Tây Nguyên; cung cấp cho cán bộ Quân Dân Chính Đảng, Trường huấn luyện cán bộ, học sinh, thương bệnh binh của hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa khi Mặt trận Nha Trang và Tây Nguyên bị vỡ cuối năm 1945 đến hết cuộc chiến tranh chống Pháp.
Đặc biệt, Ngành Tài mậu Phú Yên đã huy động hàng chục vạn lượt dân công phục vụ cho các chiến dịch, chi viện cho các chiến trường Tây Nguyên và Bắc Khánh Hòa. Ngành Tài Mậu còn giúp đỡ cho hàng ngàn đồng bào vùng tạm chiếm tản cư ra vùng tự do Phú Yên ổn định cuộc sống.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tỉnh ủy Phú Yên và các lực lượng vũ trang đứng chân ở vùng tập kết 300 ngày tại Lộc Lễ, Diêu Trì, tỉnh Bình Định nhờ sự cưu mang giúp đỡ của tỉnh bạn Bình Định gần một năm ròng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngành Tài mậu Phú Yên được xây dựng lại từ hai bàn tay trắng, không một hạt muối, cân gạo trong kho. Căn cứ Thồ Lồ do đồng chí Văn Công - Trưởng ban Kinh tài của Tỉnh ủy Phú Yên dày công xây dựng trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quần chúng miền đất này đã đứng lên tự giải phóng từ tháng 1/1957, đã tạo nên chỗ dựa vững chắc của cách mạng Phú Yên. Nơi đây được chọn để tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 9/1960) triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương.
Từ năm 1961 đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngành Kinh tài Phú Yên phát triển vượt bậc, đáp ứng mọi yêu cầu của kháng chiến trong điều kiện hoạt động cực kỳ gian khổ, bị địch bốn bề bao vây đánh phá ác liệt. Các đồng chí Cao Xuân Thiêm (Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tài Tỉnh ủy), Nguyễn Hữu Ái (Phó chủ tịch UBNDCM lâm thời tỉnh kiêm Trưởng ban Kinh tài Tỉnh ủy) cùng các đồng chí ngành Tài mậu của tỉnh Phú Yên và hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa là những chứng nhân lịch sử hào hùng một thời chia ngọt sẻ bùi, hạt muối chia hai, chén cơm sẻ nửa. Lịch sử kháng chiến Nam Trung Bộ đánh giá cao sự phối hợp của ngành Tài mậu ba tỉnh đã chi viện đắc lực cho Liên Tỉnh ủy 3, Phân khu Nam Quân khu V, chi viện cho Trung đoàn Trần Hưng Đạo đứng chân ở Khánh Hòa đảm bảo lương thực cho chiến dịch Thuần Mẫn (Đắk Lắk), các trận đánh trên đèo Cù Mông, Tu Bông - Đại Lãnh (Khánh Hòa). Ba tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa có cùng đặc điểm địa lý là chiến trường bị chia cắt, địch bao vây bốn phía.
Quá khứ vẻ vang, hiện tại xứng đáng. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay, ba tỉnh láng giềng anh em Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa đã và đang liên kết phát triển, tạo những dấu ấn đột phá đầy ấn tượng ở khu vực Nam Trung Bộ và con đường di sản văn hóa nhân loại qua duyên hải miền Trung Việt Nam.
Kế thừa truyền thống hào hùng của cha anh trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã, đang và sẽ làm hết sức mình để vun đắp tình cảm anh em láng giềng với hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa bằng những chương trình liên kết phát triển kinh tế xã hội bền vững, tạo dấu ấn phát triển mới để vươn tới mục tiêu cơ bản trở thành những tỉnh công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra.
Chúc ngành Tài chính ba tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa kế tục xứng đáng truyền thống hào hùng của ngành Tài mậu anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, viết tiếp bài ca lao động hùng tráng trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay; tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
LÊ VĂN TRÚC
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên