Thứ Năm, 28/11/2024 19:42 CH
Thông tin thêm tình trạng tôm hùm nuôi ở TX Sông Cầu bị chết:
Hệ quả của việc nuôi dày
Thứ Hai, 27/02/2012 13:00 CH

Bà Lê Thị Nở, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho biết: “Do nguồn kinh phí hoạt động của Ban Phòng chống dịch bệnh tôm (thuộc trung tâm) trong năm 2012 không được cấp, nên ban đã giải thể. Hiện trung tâm không theo dõi tình hình dịch bệnh các loại tôm nói chung và tôm hùm nói riêng tại các địa phương trong tỉnh”.

 

Tình trạng tôm hùm nuôi ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) chết hàng loạt, được ngành chức năng xác định là hệ quả của việc nuôi với mật độ dày, không theo quy hoạch. Giải pháp cứu vùng nuôi tôm nổi tiếng ra khỏi cơn “đại dịch” vẫn còn ở phía trước.

tom-hum1200227.jpg

Ông Huỳnh Ngọc Hiếu kiểm tra tôm hùm chết - Ảnh: N.QUANG

Chúng tôi gặp ông Huỳnh Ngọc Hiếu ở thôn Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh) với gương mặt phờ phạc sau khi ra biển kiểm tra lồng tôm của gia đình về. Ông Hiếu cầm con tôm hùm chết đã bốc mùi hôi, nói: “Đa số tôm bệnh ở đây đều hở khớp đầu, bụng có nhiều dịch trắng đục, mang đen. Nhiều người rất hoang mang, lo lắng và đổ lỗi cho rằng năm vừa rồi không có lũ lớn, đẩy các chất cặn bã tồn tích lâu ngày trong đầm ra biển, khiến môi trường nuôi bị ô nhiễm và dịch bệnh lây lan”. Song, theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, cán bộ phụ trách thủy sản Phòng Kinh tế TX Sông Cầu điều dễ nhận thấy là người dân thả nuôi tôm quá dày, cộng với thời tiết xấu là hai yếu tố gây bệnh trên tôm. Theo quy định của Bộ NN-PTNT, mỗi ha mặt nước chỉ thả nuôi 30-60 lồng tôm, nhưng với 90ha phục vụ nuôi thủy sản của xã Xuân Thịnh, người dân thả nuôi trên 7.000 lồng, cả tôm thịt, tôm ươm và một số đối tượng thủy sản nuôi khác. Nếu tính ít nhất mỗi lồng tôm cần khoảng 15kg thức ăn tươi/ngày (cá, cua, ghẹ, ốc, sò…) thì mỗi ngày khu vực nuôi tôm thôn Phú Dương và Vịnh Hòa “ngốn” hàng trăm tấn thức ăn. Với lượng chất thải rất lớn này, làm cho môi trường quá tải, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, là nguyên nhân chính dẫn đến tôm bệnh và bùng phát trên diện rộng. Thứ đến, người nuôi tự ý sử dụng nhiều loại kháng sinh bán tràn lan trên thị trường để điều trị cho tôm, khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Ông Hồ Nam Yên, phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Thị xã đã xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm hùm xã Xuân Thịnh. Diện tích mặt nước của xã 150ha, trong đó 90ha dành cho nuôi tôm hùm, phần còn lại là khu neo đậu tàu thuyền, luồng lạch… Tuy nhiên, thời gian qua việc nuôi tôm không theo quy hoạch ở đây diễn ra phổ biến, số lượng lồng nuôi tăng đột biến, trong khi chính quyền địa phương không có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Điều này dẫn đến môi trường vùng nuôi ngày càng xấu.

tom-hum-1120227.jpg

Nhiều hộ ở xã Xuân Thịnh có tỉ lệ tôm hùm chết 100%, phải chuyển lồng vào bờ - Ảnh: N.QUANG

Trong khi dịch bệnh trên tôm ngày càng lây lan, người nuôi lại thờ ơ với các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm hùm do Phòng Kinh tế TX Sông Cầu phối hợp với Trung tâm Quan trắc và cảnh cáo dịch bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện Nuôi trồng thủy sản 3 (Khánh Hòa) tổ chức. Ông Nguyễn Thái Hải Anh cho biết thêm, mỗi năm thị xã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn v quy trình nuôi tôm hùm lồng cho bà con ngư dân. Đợt tập huấn gần đây nhất, với sáu lớp diễn ra từ ngày 18 đến 23/2 tại sáu xã, phường của thị xã, mỗi lớp mời 50 người nuôi tôm tham gia, nhưng lớp chỉ có vài người đến dự. Còn tiến sĩ Võ Văn Nha, Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc và cảnh cáo dịch bệnh thủy sản miền Trung bức xúc: “Chúng tôi đến từng vùng nuôi để tổ chức lớp tập huấn theo phương thức cầm tay chỉ việc, nhưng nhiều người tỏ ra không quan tâm. Rõ ràng ý thức của một số người trong việc phòng và điều trị bệnh cho tôm chưa cao và hệ quả là môi trường tiếp tục bị xâm hại, tôm vẫn cứ chết và người nuôi thì nợ nần do thua lỗ. Theo tiến sĩ Võ Văn Nha, người dân phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nuôi với mật độ vừa phải. Đây là giải pháp tối ưu để cứu vùng nuôi tôm hùm này, trong đó ý thức của người nuôi rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, đến nay đã có hơn 300.000 con tôm hùm thương phẩm nuôi ven đầm Cù Mông bị chết, thiệt hại hơn 200 tỉ đồng. Và mỗi ngày đi qua, khu vực đầm Cù Mông có hàng trăm con tôm hùm bị chết, trong khi đó người dân vẫn chưa tìm ra cách để cứu tôm. Giải pháp nào cứu vùng nuôi tôm hùm từng nổi tiếng cả nước ra khỏi cơn “đại dịch” hiện vẫn là bài toán khó.

“Thị xã đã quy hoạch vùng nuôi tôm hùm xã Xuân Thịnh và sắp tới sẽ quy hoạch vùng nuôi ở xã Xuân Cảnh. Tuy nhiên, thời gian qua một số người dân nuôi tôm không theo quy hoạch chưa được chính quyền địa phương xử lý, vì không có chế tài. Thị xã muốn số lượng lồng tôm hùm ở mức 16.000 lồng, nhưng hiện đã tăng lên 22.000 lồng. Đây là hạn chế của thị xã, dẫn đến môi trường vùng nuôi ngày càng xấu”, ông Hồ Nam Yên nói.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek