Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành VH-TT-DL Phú Yên năm 2012 là triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên xung quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực du lịch trong năm 2012?
Ông Phan Đình Phùng- Ảnh: T.QUỚI
- Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2011, năm 2012, ngành VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Trước hết, ngành rà soát, tham mưu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch biển, đảo, các di tích, danh thắng quốc gia… Bên cạnh đó, ngành tập trung phát triển các sản phẩm du lịch lợi thế, đặc thù của Phú Yên; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và các loại hình dịch vụ; kết hợp các yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại để tạo sự hấp dẫn, thu hút khách; khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch phù hợp với từng khu quy hoạch và loại hình du lịch. Ngành sẽ có biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy hệ thống tài nguyên du lịch chặt chẽ; xây dựng quy chế bảo vệ tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.
* Mục tiêu của du lịch Phú Yên trong năm 2012 là gì, thưa ông?
- Năm 2012, Du lịch Phú Yên phấn đấu đón trên 500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 57.000 lượt, lưu trú bình quân 2 ngày/lượt khách; công suất sử dụng buồng đạt trên 53%. Doanh thu du lịch trên 500 tỉ đồng; hạ tầng lưu trú có khoảng 115 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn với 2.600 buồng, trong đó có 600 buồng đạt tiêu chuẩn 1-2 sao, 500 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao.
* Đâu là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khiến du lịch Phú Yên chậm phát triển trong thời gian qua, giải pháp khắc phục là gì?
- Có hai nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân chủ quan: Nhận thức xã hội về du lịch, nhất là nhận thức của các cấp quản lý về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; vốn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống, tuyên truyền quảng bá du lịch… còn quá thấp; ngành chưa có chiến lược quảng bá xúc tiến đầu tư, tiếp cận thị trường, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực để phát triển du lịch; các doanh nghiệp du lịch hầu hết quy mô nhỏ, hoạt động lữ hành yếu, chưa chú trọng đến công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu... Còn nguyên nhân khách quan là do xuất phát điểm kinh tế của tỉnh thấp; khủng hoảng kinh tế tài chính trên phạm vi toàn cầu, dịch bệnh, thiên tai... đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành du lịch; hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không còn hạn chế; sự cạnh tranh, chia sẻ thị trường khách du lịch của các trung tâm du lịch lớn trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước ngày càng gay gắt...
Du khách thưởng ngoạn gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) - Ảnh: T.QUỚI
Trong quá trình thực hiện mục tiêu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Phú Yên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và hợp tác phát triển của các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Du lịch Phú Yên đang cần được hội đủ các yếu tố nội lực và ngoại lực để phát triển nhanh trong thời gian tới. Qua các cuộc hội thảo khoa học về phát triển du lịch trong tình hình hiện nay, có hai vấn đề lớn cần triển khai thực hiện ngay, đó là định hướng phát triển du lịch bằng khả năng tiềm lực nội tại và hợp tác, liên kết phát triển vùng.
Đối với vấn đề định hướng phát triển, ngành tập trung vào bốn nội dung: Thứ nhất, định hướng phát triển thị trường khách du lịch (thị trường khách quốc tế, thị trường khách nội địa). Thứ hai, xác định các sản phẩm du lịch chính là: nghỉ dưỡng biển, tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, danh lam thắng cảnh; du lịch kết hợp với văn hóa tâm linh, văn hóa ẩm thực và các loại hình du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo, hội chợ… Thứ ba, hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch. Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thực hiện các đề án, chương trình phát triển du lịch trên các lĩnh vực: đầu tư các cơ sở kinh doanh du lịch, vui chơi giải trí, hạ tầng du lịch, tuyên truyền xúc tiến, quảng bá, đào tạo sử dụng và phát triển nguồn nhân lực.
Về giải pháp hợp tác, liên kết phát triển vùng, tập trung vào các nội dung: Hợp tác trong xây dựng các chương trình du lịch (tour) chung của toàn vùng (duyên hải Nam Trung Bộ); hợp tác trong đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng; hợp tác xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến để giới thiệu hình ảnh du lịch đặc trưng của vùng như một điểm đến hấp dẫn; hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp; hợp tác liên kết tổ chức các lễ hội, sự kiện tầm khu vực, quốc gia. Ngoài ra, cần có sự hợp tác liên kết giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng du lịch khác trong nước...
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN QUỚI (thực hiện)