* Bài 2: Phân xưởng cồn Nhà máy Đường Tuy Hòa: Mới sản xuất thử nghiệm đã phải điều chỉnh
Hai nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Sông Hinh và Đồng Xuân trong thời gian qua đã gây ô nhiễm môi trường. Vụ sản xuất mới vừa bắt đầu, 2 nhà máy này đều dự kiến tăng năng suất lên gấp đôi, trong khi phương án xử lý chất thải chưa được đảm bảo đã làm bất an môi trường xung quanh hai nhà máy.
Nước thải từ nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân vẫn tiếp tục xả nước chảy ra sông Kỳ Lộ - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
NHÀ MÁY CHẾ BIẾN TINH BỘT SẮN ĐỒNG XUÂN: DÙ CHƯA ĐƯỢC CẤP PHÉP, VẪN XẢ NƯỚC THẢI RA... SÔNG KỲ LỘ
Chính thức đi vào sản xuất từ ngày 05/3/2006, chấm dứt niên vụ trước vào 26/7/2006, và gần đây, ngày 7/10/2006 Nhà máy (NM) tinh bột sắn Đồng Xuân lại bắt đầu niên vụ mới với công suất dự kiến tăng gấp đôi. Vừa hoạt động trở lại nhà máy đã gây cho những người dân xung quanh mối lo môi trường lại bất an.
Ở niên vụ trước, hàng loạt phiền toái do NM gây nên làm ảnh hưởng đến môi trường nước và không khí ở khu vực xung quanh NM, khiến sự việc trở thành một trong những vấn đề quan tâm của các đại biểu HĐND huyện trong kỳ họp giữa năm 2006. Mùi hôi lan toả trong không khí do chất thải chưa xử lý đúng qui trình bay xa đến 3, 4km gây khó chịu cho nhân dân trong vùng; việc vận chuyển bã sắn làm rơi vãi trên đường khiến đường sá bẩn thỉu; đặc biệt sự cố vỡ bể chứa số 5 (bể hiếu khí số 5) vào ngày 13/6/2006 làm 200 m3 (?) nước thải từ bể này đổ thẳng ra sông Kỳ Lộ làm chết cá và gây mùi hôi nồng nặc trong nước sông đã khiến dư luận rất lo ngại và bất bình. (Báo Phú Yên số ra ngày 30/6/2006 đã có bài báo động về tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước Sông Kỳ Lộ từ hoạt động của NM này).
Ngày 15/8/2006 trong công văn số 1051/TNMT của Sở TN&MT gửi UBND huyện Đồng Xuân đề nghị “theo dõi,giám sát việc xả nước thải của Nhà máy SX tinh bột sắn Đồng Xuân” đã ghi rõ: “Trong thời gian qua có 02 sự cố xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng nước của sông Kỳ Lộ và môi trường xung quanh đã được các cơ quan thông tin, ngôn luận phản ánh, nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời. Theo quy định của pháp luật, việc xả nước thải của nhà máy vào nguồn nước sông Kỳ Lộ phải được cấp phép xả thải, nhưng hiện nay chưa được cấp phép xả thải vì do hồ sơ cấp phép chưa hoàn thiện, các chi tiêu quan trắc về nước thải chưa được đầy đủ, nước thải xử lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn”.
Trước đó,
Văn bản thì ghi rõ như ban ngày,nhưng thực tế có vẻ như Nhà máy …không hề hay biết! Ngày 6/11/2006, sau khi NM hoạt động niên vụ mới được tròn một tháng, chúng tôi trở lại NM và ghi nhận mùi hôi trong không khí có giảm so với trước, nhưng nước từ trong bể số 5 vẫn chảy ra suối, đặc biệt ở cống xả ngay trước cổng NM, nước vẫn mạnh mẽ tuôn thẳng ra sông Kỳ Lộ, bất chấp có được cấp phép hay chưa.
Cho đến hôm qua (16/11), Phó GĐ Sở TN&MT Lê Văn Thứng xác nhận UBND tỉnh vẫn chưa cấp phép xả nước thải ra môi trường cho Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân, vậy mà nhà máy vẫn cứ xả.
NHÀ MÁY CHẾ BIẾN TINH BỘT SẮN SÔNG HINH: HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI VẪN CHƯA ĐẢM BẢO
Sau khi báo Phú Yên có bài “Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh (FOCVOEV): Khả năng tiếp diễn ô nhiễm môi trường rất cao” (Trên Báo Phú Yên số 250 thứ hai 6/11/2006), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, một lần nữa khẳng định hệ thống xử lý nước thải của nhà máy xây dựng chưa phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt và cũng chưa thực hiện chương trình quan trắc môi trường. Cơ quan chức năng yêu cầu FOCVOEV giải trình và thực hiện đúng theo báo cáo ĐTM.
Thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, mới đây, FOCVOEV đã xúc tiến làm thêm một hồ chứa nước thải cạnh nhà máy nằm bên hồ số 3 và cam kết tiếp tục làm thêm hồ số 5 chứa nước thải ổn định trước khi xả thải ra bên ngoài. Nếu thực hiện đúng như vậy, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh sẽ được xây dựng trên diện tích hơn 11 ha với khả năng chứa nước thải lớn hơn và xử lý nước thải có hiệu quả hơn so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
Vấn đề đặt ra, tại sao ngay từ đầu FOCVOEV không thực hiện nghiêm túc báo cáo ĐTM, mà đợi đến khi cơ quan chức năng yêu cầu mới chịu thực hiện. Rõ ràng, việc đầu tư xây dựng xử lý chất thải làm tăng vốn đầu tư của nhà máy nên các nhà đầu tư luôn tìm cách làm thế nào để giảm chi phí thấp nhất. Ngoài ra, việc vận hành hệ thống xử lý chất thải đó cũng tốn kém làm tăng giá thành sản phẩm nên nhà đầu tư thường không thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
Cần có sự tăng cường giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư khu vực chung quanh để Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh nghiêm túc khắc phục hệ thống xử lý nước thải tránh gây ô nhiễm môi trường như những vụ sản xuất trước đây.
TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA