Trong đầu tư nuôi trồng thủy sản (NTTS), giống là khâu quyết định hàng đầu. Vậy cần làm gì để phát triển nguồn giống tự nhiên, song song với việc tập trung sản xuất giống nhân tạo nhằm chủ động giải quyết giống cho nuôi trồng, phát huy tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương ven biển? Tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (TTG & KTTS) tỉnh Phú Yên cho biết:
Trung tâm giống và Kỹ thuật thủy sản ương nuôi cá lăng để thả nuôi, tái tạo nguồn lợi ở lòng hồ thủy điện Sông Hinh - Ảnh: N.Lưu |
- Trong nhiều năm gần đây, ngành thủy sản Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu Thủy sản III Nha Trang đã điều tra hiện trạng môi trường các vùng nước trong tỉnh, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các giống thủy sản tự nhiên có chất lượng và thị trường tiêu thụ; đồng thời cũng đã thực hiện thành công nhiều mô hình nuôi thủy sản ở cả 3 vùng nước: mặn, lợ, ngọt.
Đối với vùng nước mặn ven biển, có thể nhân rộng nghề nuôi cá mú, cá giò, cá hồng Mỹ, ốc hương, bào ngư... Đặc biệt, ngư dân đầu tư phát triển mạnh nghề nuôi các loài giáp xác như tôm hùm. Đối với vùng nước lợ, ngoài việc duy trì đối tượng nuôi chính là tôm sú, ngành khuyến khích bà con đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi cua vùng sát biển, nuôi ghẹ, vẹm xanh, sò huyết... Đối với vùng nước ngọt, bên cạnh nuôi các đối tượng truyền thống như cá chép, trắm, trôi, mè, cá lóc, có thể phát triển nuôi cá rô phi đơn tính, cá lăng, lươn, ếch...
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu nguồn giống cho NTTS, do giống ngoài tự nhiên ngày càng bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt và khan hiếm.
* Vậy để NTTS đạt hiệu quả và bền vững lâu dài, TTG & KTTS tỉnh Phú Yên đã đầu tư sản xuất các loại giống nhân tạo và chuyển giao cho bà con phát triển nuôi trồng như thế nào, thưa tiến sĩ ?
- Sản xuất được giống tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng giống, tiết kiệm số lượng đàn bố mẹ cần thiết, giảm dịch bệnh và chi phí trong nuôi trồng, đảm bảo chủ động cung cấp nhiều loại giống với số lượng lớn, phù hợp nhu cầu phát triển nuôi trồng là mục tiêu hàng đầu của TTG & KTTS. Do vậy, từ khi thành lập đến nay, TTG & KTTS đã sản xuất một số loại giống cung ứng cho dân và thả ra vùng nước tự nhiên để phục hồi những giống đã bị cạn kiệt, tái tạo bổ sung đàn bố mẹ cho sản xuất giống và tăng sản lượng nghề khai thác ở các vùng nước mặn, lợ, ngọt.
Kỹ sư thủy sản hướng dẫn cho bà con cách chọn giống và nuôi cua ở cửa sông Đà Nông – Ảnh: N.LƯU |
Cụ thể, TTG & KTTS đã sản xuất thành công giống ghẹ thả tái tạo trong đầm Ô Loan và cung cấp cho hàng chục hộ dân nuôi ở đầm Ô Loan; sản xuất giống cua thả nuôi ở cửa sông Đà Nông. Trung tâm cũng đã tiếp nhận các công nghệ sản xuất giống mới như công nghệ sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; ương giống bào ngư của Viện Nghiên cứu Thủy sản III Nha Trang, ương giống cá hồng Mỹ của Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng; Đồng thời, trung tâm đã sản xuất và chuyển giao cho dân công nghệ sản xuất giống ốc hương, cá rô phi đơn tính dòng gift… Đặc biệt, trung tâm sản xuất con tôm chân trắng nuôi được ở cả 2 vùng nước lợ, ngọt... Về lâu dài, Trung tâm sẽ sản xuất hàng loạt đối tượng giống thủy sản có giá trị xuất khẩu. Song, khó khăn lớn là Trung tâm không có chức năng nhập giống thủy sản có chất lượng ở nước ngoài và chưa có trại giống để sản xuất số lượng lớn đủ cung ứng cho bà con thả nuôi.
* Theo tiến sĩ, Phú Yên cần làm gì để sản xuất giống thủy sản đạt trình độ tiên tiến bảo đảm tạo được cơ cấu giống đa dạng, phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng trên địa bàn tỉnh?
- Phát triển giống NTTS phải dựa trên nhu cầu của thị trường, đặc điểm điều kiện tự nhiên, sinh thái từng vùng và hiệu quả kinh tế – xã hội nhằm tạo ra cơ cấu giống NTTS hợp lý, đảm bảo tính đa dạng sinh học và bền vững về môi trường sinh thái. Muốn vậy, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc lưu giữ nguồn gien, sử dụng nguồn gien lai tạo nguồn giống, có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển giống thủy sản, gắn nghiên cứu với các thực tiễn để chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất. Tỉnh quy hoạch hệ thống giống thủy sản từ nghiên cứu, thử nghiệm đến sản xuất thương mại phù hợp thị trường; kiện toàn công tác quản lý giống thủy sản bao gồm việc hỗ trợ, tái tạo phát triển tài nguyên giống, quản lý, kiểm soát chất lượng sản xuất và kinh doanh giống, tạo thị trường lành mạnh, trao đổi và nhập khẩu giống nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giống thủy sản. Trước mắt hỗ trợ các doanh nghiệp nhập đàn bố mẹ để đảm bảo cung cấp đủ giống cho nhu cầu nuôi trồng.
Tôi cho rằng, Phú Yên cần phải nhanh chóng thành lập các hiệp hội giống thủy sản trong tỉnh, ví dụ như Hiệp hội giống tôm hùm, Hiệp hội giống tôm sú, Hiệp hội giống cua... Dựa trên các quy chế hoạt động và tuân thủ những quy định của ngành, từng thành viên trong các hiệp hội sẽ tự kiểm tra lẫn nhau về chất lượng giống, cùng xác định giá giống theo mùa vụ một cách hợp lý, chống phá giá trong nội bộ. Trên cơ sở đó tạo lập cơ cấu giống thuỷ sản phong phú để có nhiều loài thủy sản đáp ứng cho nhu cầu nuôi trồng, tạo thực phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời giảm rủi ro trong nuôi trồng. Mục tiêu lớn của hiệp hội là xây dựng một tập thể sản xuất giống hùng mạnh để khẳng định thương hiệu giống chất lượng, nhằm ký kết các hợp đồng tiêu thụ giống với số lượng lớn, ổn định lâu dài.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)