Theo đánh giá của UBND tỉnh trong cuộc họp thường kỳ tháng 2, ngành Công thương đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Nhờ vậy trên địa bàn tỉnh không có biến động về giá và mọi người dân đều được hưởng tết đầy đủ, an toàn, tiết kiệm.
Đưa hàng Việt về nông thôn là một hình thức phân phối hàng hóa hiệu quả - Ảnh: N.XUÂN
PHÂN PHỐI HÀNG HÓA HIỆU QUẢ
Trong đợt bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, ngoài nguồn vốn hỗ trợ 15 tỉ đồng cho hai doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bán hàng bình ổn giá là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn - Phú Yên và Công ty cổ phần Thương mại Miền núi Phú Yên, UBND tỉnh cũng đã cấp bổ sung 100 triệu đồng hỗ trợ cước vận chuyển cho các doanh nghiệp trong đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Chương trình bán hàng bình ổn giá được triển khai từ ngày 1/10 tại 44 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, bao gồm 13 điểm bán cố định tại TP Tuy Hòa, trung tâm các huyện, các xã vùng xa Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, TX Sông Cầu và 31 điểm bán hàng lưu động tại các chợ xã ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hàng hóa bán theo chương trình bình ổn giá luôn đảm bảo thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm khoảng 10%. Trong tháng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (từ 24/12/2011 đến 22/1/2012), doanh thu bán hàng của hai đơn vị tham gia bình ổn giá đạt 77,6 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hiển, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Miền núi Phú Yên cho biết: “Năm nay, lần đầu tiên công ty mở rộng đưa hàng bình ổn giá về bán tại 6 đại lý ở 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Doanh thu khá khả quan, đạt 33 tỉ đồng và có ý nghĩa hơn là tạo thói quen cho người dân miền núi, vùng xa mua hàng theo giá niêm yết. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng việc bán hàng bình ổn về các vùng sâu hơn”.
Song song với chương trình bán hàng bình ổn giá, Sở Công thương cũng vận động được 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tổ chức chương trình bán hàng lưu động theo chương trình đưa hàng Việt về nông thôn từ ngày 12/1- 19/1 tại 8 điểm thuộc 7 huyện, thị xã. Các chương trình bán hàng năm nay có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức với chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền nên lượng người mua rất đông. Là một đơn vị chủ lực trong đợt bán hàng phục vụ tết, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa (Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn - Phú Yên) đã dự trữ nguồn hàng rất dồi dào, ổn định, góp phần đảm bảo bình ổn thị trường trong dịp tết. Phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị bạn, Co.opMart Tuy Hòa cùng lúc tổ chức 2 chương trình: Bán hàng bình ổn giá và đưa hàng Việt về nông thôn, qua đó phân phối nguồn hàng đều khắp các địa phương, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho hoạt động mua sắm trước, trong và sau dịp tết năm nay, ngành Công thương cũng đặc biệt chú trọng việc sắp xếp, bố trí lại các khu vực kinh doanh tại chợ, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm. Nhờ vậy, giá cả hàng hóa trong những ngày giáp tết không tăng đột biến, nguồn hàng phong phú, ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ngay cả những mặt hàng có sức mua lớn cũng chỉ tăng nhẹ như thịt heo tăng 20.000-30.000 đồng/kg và bia tăng 5.000 đồng/thùng.
KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ THỊ TRƯỜNG
Để ổn định thị trường trong dịp tết, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được các ngành chức năng triển khai đồng loạt ở các địa phương. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp giám sát đối với các doanh nghiệp lớn có khả năng chi phối, lũng đoạn thị trường nhằm chống việc đầu cơ, găm hàng; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, hàng bình ổn.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2012, đơn vị đã kiểm tra 137 trường hợp, xử lý 55 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 116 triệu đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm về giá, nhãn hàng hóa, hàng hết hạn sử dụng... Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra 971 cơ sở sản xuất, nhắc nhở một số cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi hạn sử dụng hàng hóa, nhãn hàng hóa...
Ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Với sự nỗ lực trong việc quản lý của ngành Công thương cũng như sự phối hợp của các đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương, thị trường trước, trong và sau tết trên địa bàn tỉnh rất ổn định. Kết quả đó, bên cạnh nhờ công tác dự đoán, kiểm soát thị trường được chú trọng từ rất sớm và triển khai đồng bộ nên kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử phạt nhiều trường hợp bán hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng. Vừa qua, UBND tỉnh đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị đón tết của ngành Công thương và các đơn vị, doanh nghiệp phục vụ Tết Nguyên đán và động viên các đơn vị tiếp tục nỗ lực kiểm soát, ổn định thị trường trong thời gian đến.
NGÔ XUÂN