Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ năm 2011 sang phần lớn các thị trường đều tăng mạnh về giá trị, với tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này là 379,364 triệu USD, tăng 29,4% so với năm 2010.
Cá ngừ được đưa về bến cá phường 6, TP Tuy Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG
Sự tăng trưởng vượt bậc này có sự hỗ trợ tích cực của yếu tố giá, trong đó Nhật Bản là thị trường có giá xuất khẩu tăng hơn 100%, kế đến là các thị trường Canada, Ixrael, Mỹ, Thụy Sĩ... cũng tăng từ 30% trở lên. Năm 2011, Mỹ thế chân EU để trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn và ổn định nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 171,3 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Bước sang năm 2012, Mỹ sẽ phải tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ các nước châu Á để bù đắp cho nguồn cung trong nước bị thiếu hụt do việc hạn chế nhập khẩu cá ngừ từ Mêhicô vẫn còn hiệu lực. Do đó, dự báo nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng và quốc gia này vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ chủ lực của Việt Nam. Đối với thị trường Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng lên đến 3 con số trong năm qua sẽ tiếp tục tăng ổn định trong 6 tháng đầu năm nay.
VASEP cho biết, cá ngừ đại dương là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Hiệp định về đàn cá di cư quốc tế, nằm trong Công ước về Luật Biển quốc tế. Theo đó, việc đánh bắt cá ngừ ở Việt Nam phải chịu sự chi phối của Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC), nhưng hiện nước ta chưa phải là thành viên chính thức của tổ chức này. Do vậy, Việt Nam đang vấp phải rào cản về đánh bắt và xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ sang một số thị trường trên thế giới.
Theo VASEP, để ngành xuất khẩu cá ngừ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2012 này, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh trữ hàng, trang bị tàu lớn kịp thời thu mua sản phẩm cá ngừ và cung ứng các nhu yếu phẩm cho ngư dân ngay trên biển; đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước ngoài, tìm kiếm thêm thị trường và quảng bá giới thiệu rộng rãi sản phẩm để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sớm trở thành thành viên đầy đủ của WCPFC để các địa phương có tiềm năng thuận lợi hơn trong việc phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương.
Theo CTO