Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành năm 2012 và ban hành Chỉ thị về việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Ảnh minh họa - N. THẮNG
Các giải pháp trọng tâm mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tập trung thực hiện trong năm 2012 là gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách con người Việt Nam; xây dựng nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia đầu ngành; thực hiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Phối hợp chặt chẽ hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư. Thực hiện tốt phương thức xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác một cách bền vững lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhân văn, đồng bộ và đi vào chiều sâu. Khắc phục hạn chế đang tồn tại là sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính bền vững, khai thác chưa hợp lý tài nguyên du lịch, nhất là nguồn tài nguyên du lịch biển, đảo, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
Trước đó, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Chỉ thị về tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đến toàn ngành và các địa phương trong cả nước. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011.
Theo đó, Bộ VH-TT-DL yêu cầu trong quý II năm 2012, các đơn vị trực thuộc bộ và sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung của chiến lược này.
Các sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, đề xuất các đề án, dự án cụ thể hóa chương trình hành động của chiến lược phù hợp với các giai đoạn đến năm 2015 và giai đoạn đến năm 2020 để đưa vào kế hoạch công tác hàng năm, 5 năm của đơn vị; Tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương để ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị về chủ trương, chính sách cụ thể; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đối với các tổng cục, cục, vụ trực thuộc Bộ VH-TT-DL chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh những nội dung quy định của Luật Du lịch và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương, trong đó hình thành tổ chức liên kết phát triển du lịch cấp vùng; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành du lịch; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch; Hoạch định chiến lược phát triển du lịch trên các lĩnh vực: phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, chiến lược marketing du lịch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch. Triển khai xây dựng và thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển các vùng du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch và đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cấp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình liên kết phát triển du lịch liên tỉnh, theo vùng và trong khu vực.
Tiếp tục triển khai xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phát triển du lịch về: Quản lý chất lượng du lịch, nâng cao nhận thức và văn minh ứng xử du lịch, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, chương trình hành động quốc gia về du lịch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020…
QUỲNH MAI (tổng hợp)