Cuối năm 2011, HĐND tỉnh đã thông qua “Đề án phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với những mục tiêu và giải pháp lớn để phát triển du lịch Phú Yên trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây không chỉ là vấn đề của ngành VH-TT-DL mà cần sự nhận thức đầy đủ, đồng thuận của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân.
Đền thờ Lương Văn Chánh (Hòa Trị, Phú Hòa) được tôn tạo để trở thành một điểm tham quan du lịch về danh nhân lịch sử của Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT
TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI
Nhiều chuyên gia về du lịch, du khách khi đến Phú Yên đã thốt lên trầm trồ, thích thú vì nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và vô cùng độc đáo của tỉnh. Phú Yên có bờ biển dài 189km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều đầm, vịnh, mũi, gành mang vẻ đẹp hoang sơ. Trong đó có những địa danh đã định danh trong lòng du khách như: đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, hòn Chùa, Lao Mái Nhà, hòn Nưa… Kết quả thăm dò cho thấy Phú Yên có diện tích rạn san hô ngầm trên 400ha, đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá cho loại hình du lịch sinh thái biển trong tương lai.
Bên cạnh sự phong phú về tài nguyên du lịch biển, đảo, Phú Yên cũng rất đa dạng các nguồn tài nguyên du lịch sinh thái khác như: các suối nước khoáng Phú Sen, Triêm Đức, Lạc Sanh, Trà Ô có nhiệt độ tự nhiên từ 50oC - 70oC.
Về yếu tố văn hóa - xã hội, Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa vừa đặc trưng vừa giao thoa các nền văn hóa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Nhiều địa danh văn hóa gắn với những danh nhân lịch sử nổi tiếng như: Núi Đá Bia với truyền thuyết về hành trình Nam tiến của vua Lê Thánh Tông; đền thờ Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần đất Phú; thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Tổng bí thư Trần Phú. Phú Yên còn là quê hương của đàn đá, kèn đá cùng với hệ thống lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ vô cùng phong phú, đặc sắc…; những làng nghề truyền thống, những đặc sản nổi tiếng với nét văn hóa ẩm thực “xứ nẫu” cũng là những yếu tố cần thiết để phát triển du lịch.
Cơ hội thuận lợi để Phú Yên phát triển du lịch thực sự mở ra khi năm 2011 Phú Yên được chọn để đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là tiền đề quan trọng, là cú hích mạnh để nhiều tiềm năng du lịch được đánh thức. Hiện nay, tỉnh có nhiều dự án quy mô lớn đang được triển khai đầu tư mở rộng mối liên kết vùng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, giao thông… Song song với đó là sự quyết tâm của các cấp, các ngành; nhận thức về du lịch của người dân trong tỉnh được cải thiện, tạo môi trường xã hội thuận lợi để phát triển du lịch theo mục tiêu, định hướng đã đặt ra.
Du khách ăn trưa ngay trên tàu trong tour “Khám phá vịnh Xuân Đài” - Ảnh: T.QUỚI
PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Tiềm năng nhiều, cơ hội và thuận lợi cũng nhiều nhưng những khó khăn và thách thức là không ít. Đó là sự cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh với các tỉnh, thành trong nước. Điểm xuất phát kinh tế thấp, tiềm lực và lợi thế cạnh tranh chưa cao khiến cho nguy cơ tụt hậu về du lịch gia tăng; Nguy cơ ô nhiễm môi trường do các nguyên nhân chủ quan và khách quan; đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu… là những tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp không khói của Phú Yên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, cho biết: Trên cơ sở những tiềm năng thuận lợi cũng như thách thức, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh là: Phát huy lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch và nét văn hóa đặc trưng để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc thù; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch để tạo sự đột phá theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Phát triển du lịch phải đảm bảo tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao trên cơ sở khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cộng đồng; Phát huy thế mạnh về vị trí địa lý, Phú Yên là “cầu nối” với hai đầu Bắc - Nam và là cửa ngõ mới hướng ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên, liên kết với các tỉnh của Lào, Thái Lan, Campuchia…
Mục tiêu đến năm 2015, giá trị gia tăng ngành du lịch chiếm tỉ trọng 5,7% trong tổng GDP cả tỉnh, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trong đó dịch vụ du lịch đóng vai trò quan trọng. Hình thành cơ bản về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, các tuyến, điểm du lịch; phát triển nhanh hệ thống phương tiện giao thông vận tải phục vụ du lịch…
Đến năm 2020, giá trị gia tăng ngành du lịch Phú Yên phấn đấu chiếm tỉ trọng 7,2% trong tổng GDP để có thể trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Và, đó cũng là một trong những cơ sở nền tảng để Phú Yên phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực trên cơ sở liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Các chỉ tiêu cụ thể
Giai đoạn 2011-2015: Khách du lịch tăng bình quân 20%/năm. Thu nhập từ du lịch tăng bình quân 30%/năm, đến năm 2015 đạt trên 1.680 tỉ đồng; giá trị gia tăng ngành du lịch chiếm 5,7% tổng GDP cả tỉnh. Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đến năm 2015 đạt khoảng 140 cơ sở lưu trú với trên 4.000 buồng, từ 12-13 khu du lịch. Lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.100 người, đảm bảo trên 70% qua bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành.
Định hướng giai đoạn 2016-2020: Khách du lịch tăng bình quân 15,5%/năm, các cơ sở lưu trú đón khoảng 1,8 triệu lượt khách/năm. Thu nhập từ du lịch tăng bình quân 22,8%/năm, đến năm 2020 đạt khoảng 4.490 tỉ đồng; giá trị gia tăng ngành du lịch chiếm 7,2% tổng GDP cả tỉnh. Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đến năm 2020 đạt khoảng 250 cơ sở lưu trú với trên 8.000 buồng, trong đó có khoảng 25 khách sạn 3-5 sao. Lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 12.000 người, đảm bảo trên 70% qua bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành.
TRẦN QUỚI