Thứ Năm, 10/10/2024 04:26 SA
Nhà nông Hai Tuấn vượt lên số phận
Thứ Bảy, 07/01/2012 09:20 SA

Ông Phạm Anh Tuấn ở thôn Quy Hậu (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) được nhiều người biết đến bởi dù bị tật nguyền nhưng lại là người đầu tiên đưa nghề nuôi cá nước ngọt về địa phương. Ông cũng là nông dân duy nhất ở Phú Yên ươm thành công giống cá lóc.

tuan120107.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn cho cá ăn - Ảnh: T.HƯƠNG

Liệt một chân từ lúc mới lên ba tuổi, may mắn thoát chết trong một cơn bạo bệnh, nhưng với nghị lực vượt khó, người đàn ông sinh năm 1961 đã vượt qua tật nguyền, vươn lên trong cuộc sống. Bao khó khăn, vất vả luôn vây lấy cuộc sống thường ngày của anh. Không cam chịu số phận, ông đã cố gắng cắp sách đến trường kiếm cái chữ để chấp cánh cho tương lai.

Sau khi tốt nghiệp PTTH, ông vào làm việc tại HTX Nông nghiệp Hòa Trị 2. Cũng từ đây, một bước ngoặt mới đã đến với ông. Qua tìm hiểu sách báo, anh nhận thấy nghề nuôi cá nước ngọt mang lại nguồn thu nhập tương đối cao, nhưng không đòi hỏi nhiều sức lao động, có thể là nghề phù hợp với ông và các vùng nông thôn huyện Phú Hòa. Năm 1997, ông đã khăn gói lặn lội vào tận các tỉnh miền Nam như Đồng Tháp, Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm của các trang trại nuôi cá lớn ở đây. Sau gần nửa năm, ông lân la hết trại cá này đến hồ cá khác, hết học cách nhìn con cá bơi trong hồ để nhận biết khỏe mạnh hay bệnh tật đến học cách điều trị bệnh, chọn con giống và nhân giống… Ông Tuấn tâm sự: “Hồi đó các chủ trại cá ở Đồng Tháp, Tiền Giang thấy tôi bị tật nguyền lại chịu khó làm lụng, chăm chỉ học hỏi nên họ cũng nhiệt tình hướng dẫn, truyền kinh nghiệm. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm nuôi, cách bắt bệnh, điều trị, nhân giống các loài cá nước ngọt”. Sau khi “dằn bụng” được vốn kiến thức, kinh nghiệm từ các chủ trại cá ở miền Nam, ông Phạm Anh Tuấn trở về quê gầy dựng cơ nghiệp.

Ban đầu, ông đầu tư nuôi 3 hồ cá lóc và cá trê với nguồn giống mua từ Đồng Tháp về. Sau thời gian nuôi thí điểm thấy cá phát triển tốt và bán được giá, đem lại lợi nhuận cao, ông quyết định vay vốn đầu tư xây thêm hồ để nuôi và bắt đầu nhân giống. Lúc ấy, chỉ có mỗi gia đình ông Tuấn lập hồ nuôi cá đầu tiên nên mỗi khi con giống bị dịch bệnh, ông không biết chia sẻ cùng ai, một mình phải tự tìm tòi thêm qua sách báo để học cách điều trị. Khi thực hành nhân giống cá lóc mới là lúc ông gặp nhiều vấn đề mà trước đó chưa lường được. Khi thì ươm không thành, lúc ươm được rồi lại nuôi không sống… Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm nản được ý chí vươn lên của nhà nông Hai Tuấn. Ông tiếp tục khoác ba lô trở vào Nam để học thêm cách trị bệnh cho cá, cách giữ sức, bảo tồn nguồn cá ươm…

Thành công đã không phụ người có chí. Mày mò mãi, ông Tuấn cũng thành thục kỹ thuật ươm cá lóc, giải quyết được nhu cầu cá giống mở rộng sản xuất, giảm chi phí đầu vào nên gia đình ông mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, nhiều người dân địa phương đã học tập làm theo. Vào lúc cao điểm, tại thôn Quy Hậu đã có hơn 20 hộ dân đầu tư nuôi cá nước ngọt với nguồn giống mua từ nhà ông. Và ông cũng trở thành “thầy thuốc” cho nhiều trại nuôi cá nước ngọt ở địa phương. Năm 2008, mô hình nuôi cá của gia đình ông được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, là mô hình nuôi cá nước ngọt điểm được Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa thường xuyên tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân trên địa bàn đến học tập và nhân rộng. Ông Phạm Anh Tuấn cũng đã được địa phương công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Nhưng khó khăn vẫn chưa dứt khi toàn bộ cơ nghiệp ông gầy dựng bấy lâu trôi cả theo dòng nước lũ. Ông Tuấn bồi hồi nhớ lại: “Bôn ba với nghề hơn 10 năm, khi sự nghiệp mới dần đi vào ổn định thì cơn lũ lịch sử năm 2009 tràn về làm bể gần hết các hồ, hơn 10.000 con giống đang nuôi trôi theo dòng nước lũ”. Trắng tay và nợ ngân hàng 40 triệu đồng cũng không làm ông nản lòng. Anh quyết định vay mượn thêm để đầu tư nuôi cá nước ngọt trở lại. Bằng quyết tâm đó, gia đình ông Tuấn đã vượt qua “cơn bĩ cực” gầy dựng lại cơ nghiệp. Trang trại của ông hiện khoảng 2.000m2, có 24 hồ nuôi, mỗi hồ khoảng 500 con giống. Với giá cá lóc 54.000 đồng/kg và cá trê 35.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện ông đang học tập và nuôi thử nghiệm 3 cặp rắn hổ trâu và 5 cặp duối (loài động vật gặm nhắm lai giữa nhím và chuột), nếu thành công sẽ nhân giống và đầu tư nuôi.

Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Trị nhận xét: Ông Phạm Anh Tuấn là gương điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương, việc vượt lên tật nguyền của anh Tuấn rất đáng khen ngợi. Ngoài ra, ông còn là người chịu khó học hỏi, luôn đi đầu trong việc chuyển đổi các đối tượng nuôi mới cho lợi nhuận kinh tế cao để các hộ nông dân khác học tập theo.

THỦY TIÊN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek