Thứ Năm, 10/10/2024 14:22 CH
Chuyển động miền núi Phú Yên
Thứ Hai, 02/01/2012 14:00 CH

Miền núi tỉnh Phú Yên có 45 xã, thị trấn với hơn 212.800 người, chiếm 24,7% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc thiểu số có 51.222 người, chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Ba Na, Chăm H’roi…

 

mia120101.jpg

Mía là cây trồng chủ lực ở miền núi Phú Yên, giúp nhiều hộ giảm nghèo. - Ảnh: N.TRƯỜNG

NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT

 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2006-2010, miền núi Phú Yên đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 13%, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 10,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển chung của tỉnh và của cả nước, bước đầu tạo nền tảng để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong nông nghiệp đã hình thành các vùng trồng cây nguyên liệu như mía, sắn, cao su… gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến đường, tinh bột sắn gắn kết với việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đất canh tác toàn vùng có 48.655ha; trong đó vùng chuyên canh mía từ 18.000ha đến 20.000ha, hàng năm miền núi cung cấp khoảng trên dưới một triệu tấn mía và 150.000-160.000 tấn sắn nguyên liệu cho các nhà máy. Diện tích cây lúa nước hơn 500ha đã góp phần ổn định lương thực tại chỗ cho đồng bào, với mức bình quân lương thực đầu người hơn 300kg/năm. Phát triển đàn bò 122.500 con, chiếm 60% tổng đàn bò cả tỉnh. Công tác trồng rừng, trong đó trồng rừng sản xuất trở thành phong trào rộng rãi trong toàn dân, nâng độ che phủ rừng lên 41%... Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi…

 

Sản xuất công nghiệp ở miền núi Phú Yên cũng tăng trưởng khá, đã hình thành những ngành công nghiệp quan trọng như thủy điện, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng, chế biến nông sản. Đồng thời, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng phát triển về số lượng và chất lượng. Đặc biệt 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư 1.400 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, như giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, trường học, trạm y tế, các cơ sở dịch vụ. Nhất là hệ thống giao thông, đến nay, các tuyến giao thông đi miền núi và các tỉnh Tây Nguyên như quốc lộ 25, bốn tuyến tỉnh lộ ÐT641, ÐT642, ÐT643, ÐT644, ÐT645 (quốc lộ 29), cơ bản đã hoàn thành. Đồng thời, tỉnh cũng đã triển khai nhiều dự án mới như Trục giao thông phía Tây nối ba tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Ðắk Lắk dài 115,6km. Trên địa bàn miền núi Nhà nước đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng với tổng công suất 354 MW, với 600km đường dây trung áp, 352km đường dây hạ áp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Ðến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia, với tỉ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 99,5%; tỉ lệ hộ nông dân dùng nước sạch đạt 74,8%.

 

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Mặt bằng dân trí được nâng lên, đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy; các loại dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; việc khám, chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu vùng xa được quan tâm. Nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội miền núi được triển khai tích cực, mang lại nhiều kết quả quan trọng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, bình quân mỗi năm giảm 3,2%-3,5%/năm.

 

NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA

 

Ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, so với năm 2006, bộ mặt miền núi Phú Yên nói chung, Sơn Hòa nói riêng đã có sự thay đổi sâu sắc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có sự cải thiện rõ rệt… Tuy nhiên nhìn tổng thể tình hình kinh tế - xã hội miền núi và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đó là kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, tiềm năng chưa được khai thác đúng mức, còn có khoảng cách lớn về phát triển miền núi và vùng đồng bằng. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao so bình quân chung của cả tỉnh và nguy cơ tái nghèo của hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn lớn. Một số chính sách hỗ trợ cho miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số triển khai chậm. Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản nhiều mặt chưa tốt, tình trạng phá rừng nhiều nơi còn diễn ra, kinh tế rừng chưa phát triển mạnh…

 

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Võ Cao Phi cho biết thêm, trên địa bàn huyện miền núi Đồng Xuân, về kinh tế có tăng trưởng nhưng chưa vững chắc. Thu hút vốn đầu tư bên ngoài còn ít, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển. Việc đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến lâm chưa đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao… Hơn nữa, kết cấu hạ tầng cho miền núi được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhiều tuyến giao thông nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa giữa các vùng; một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt chất lượng xây dựng chưa bảo đảm và chưa phát huy hiệu quả sử dụng; nhiều trường học chưa kiên cố hóa, bác sĩ và trang thiết bị y tế ở các bệnh viện huyện và các trạm y tế xã còn thiếu…

 

Trước thực trạng trên, ngày 3/10/2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2011-2015. Đây là một quyết sách quan trọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển khu vực miền núi của tỉnh. Trong giai đoạn này, toàn vùng phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 13,5-14%, đến năm 2015 GDP bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng. Về xã hội, phấn đấu có tỉ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân 1,1-1,2%/năm; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2015 dưới 17%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (áp dụng cho giai đoạn 2011-2015) giảm bình quân 3-4%/năm, riêng tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5%... Nghị quyết đã chỉ ra các giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh ưu tiên huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn III, Chương trình 134…

 

Nghị quyết này đang trở thành động lực để phát triển miền núi một cách bền vững. Điều cốt lõi để nghị quyết đi vào cuộc sống “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”, các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức đầy đủ trách nhiệm, đẩy mạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; có cơ chế phù hợp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

 

ANH KIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek