Thứ Ba, 01/10/2024 11:25 SA
Bảo tồn thành công cây chai lá cong quý hiếm:
Dự án nhỏ, hiệu quả lớn!
Thứ Năm, 02/11/2006 07:42 SA

Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam - Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP), vừa tổng kết Dự án VIE/01/007 về “Xây dựng mô hình cộng đồng khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển hệ sinh thái rừng phòng hộ trên đất cát ven biển”, để góp phần khôi phục cây bản địa chai lá cong quí hiếm (được đưa vào sách đỏ Việt Nam) ở vùng ven biển hai xã Xuân Hòa và Xuân Hải (huyện Sông Cầu). Dưới đây là ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân trong việc tham gia thực hiện dự án này.

 

061102-cay.jpg

Rừng trồng cây chai lá cong ở xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu – Ảnh: Q.ĐẠT

 

* Ông Nguyễn Khắc Nhạc, Chủ tịch Hội Nông dân Sông Cầu, chủ Dự án VIE/01/007: “DỰ ÁN ĐÃ XÂY DỰNG ĐƯỢC MỘT MÔ HÌNH CỘNG ĐỒNG THAM GIA PHÁT TRIỂN RỪNG PHÒNG HỘ VEN BIỂN VÀ BẢO TỒN CÂY CHAI LÁ CONG”

 

061102-ong-Nhac.jpgVIE/01/007 là dự án nhỏ được thực hiện trong thời gian dài 4 năm (từ năm 2002 - 2006), với tổng kinh phí chỉ hơn 1,035 tỷ đồng (trong đó UNDP-GEF SGP tài trợ 747,8 triệu đồng, nguồn vốn đối tác 288 triệu đồng), nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Cụ thể 14 hộ dân đã tham gia trồng được 4.800 cây chai lá cong trên diện tích 4 ha rừng, với tỷ lệ cây sống đạt 82%; 35 hộ dân tham gia trồng rừng hỗn giao giữa cây phi lao và cây chai lá cong được 12ha, với tỷ lệ cây sống bình quân đạt 60%; 51 hộ dân trồng rừng kinh tế tổng hợp với các loại cây chai lá cong, xoài, điều cao sản, dừa…

 

Có thể nói dự án này đã vận động cộng đồng hai xã Xuân Hải, Xuân Hòa bảo vệ được 36 cây chai lá cong còn sót lại và trồng khôi phục, bảo tồn được loài cây quý hiếm này, góp phần phát triển rừng phòng hộ ven biển huyện Sông Cầu. Thông qua dự án, bà con nắm bắt được phương pháp sản xuất rừng phòng hộ kết hợp với xây dựng vườn rừng nông lâm có giá trị kinh tế trên đất cát ven biển; đồng thời giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập kinh tế gia đình. Dự án VIE/01/007 còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng phòng hộ ven biển, về bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái khô hạn trên cát ven biển.

 

* Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Điều phối viên của UNDP-GEF SGP: “CẦN TIẾP TỤC DUY TRÌ VÀ NHÂN RỘNG HIỆU QUẢ DỰ ÁN”

 

061102-BA-KIM-ANH.jpgDự án VIE/01/007 đã giúp Hội Nông dân huyện Sông Cầu tiếp cận và nâng cao được năng lực quản lý dự án có vốn tài trợ của nước ngoài; góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của chính quyền địa phương, các ngành có liên quan và cộng đồng trong vùng dự án về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển cây chai quí hiếm của Việt Nam để tạo ra một hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển bền vững.

 

Hiệu quả lớn từ dự án này cần được duy trì và nhân rộng hơn nữa cho người dân. GEF SGP đồng ý cho Hội Nông dân huyện được sử dụng vốn thu hồi của dự án (vốn do GEF SGP tài trợ) để cho cộng đồng trong vùng dự án vay theo quy chế để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra sau khi dự án kết thúc. Chính quyền huyện Sông Cầu cần quan tâm hỗ trợ cho cộng đồng vùng dự án thông qua các chương trình, mục tiêu của huyện (như các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng làng nghề, tạo công ăn việc làm…). Sở NN và PTNT Phú Yên tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đưa cây chai lá cong vào chương trình phát triển cây trồng rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng phân tán trên nhiều chân đất khác trong tỉnh. Trong thời gian tới, UNDP-GEF SGP sẽ nghiên cứu, tài trợ kinh phí cho tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện một số dự án nhỏ về khôi phục và phát triển cây trồng, vật nuôi…

 

* Thạc sĩ Đỗ Văn Ngọc, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên: “SẼ CHUYỂN GIAO CHO BÀ CON PHƯƠNG PHÁP NHÂN GIỐNG HỮU TÍNH CÂY CHAI LÁ CONG”

 

061102-ONG-NGOC.jpgNhờ tham gia Dự án VIE/01/007, nhóm chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật xây dựng các mô hình của Trung tâm Giống và KTCT tỉnh có điều kiện khảo sát, điều tra cây chai lá cong phân bố tại huyện Sông Cầu; tiến hành nghiên cứu và phân loại đặc tính sinh thái, hình thành khả năng tái sinh cây chai. Nhóm chuyên gia đã trực tiếp theo dõi cây chai ra hoa, kết trái, thu hái hạt và sản xuất thành công giống chai lá cong quí hiếm bằng phương pháp nhân giống hữu tính, với tỉ lệ nảy mầm đạt trên 90%. Nhóm cũng đã xây dựng quy trình kỹ thuật trồng rừng giống cây chai, nhằm thu giữ nguồn gien cho phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển.

 

Chai lá cong là loài cây rất khó nhân giống, khi hạt mới chín và chuyển màu cánh dán thì thu hái và gieo ươm liền thì mới cho kết quả tốt. Cây ươm phải chăm sóc hơn 15 tháng, với chiều cao cây hơn 60cm mới đem ra trồng. Do vậy, để khôi phục và phát triển tăng diện tích rừng cây chai phòng hộ ven biển, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải nhân giống có chất lượng. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu của bà con, Trung tâm sẽ chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây chai theo phương pháp hữu tính. Về lâu dài, Trung tâm Giống sẽ thử nghiệm thực hiện nhiều mô hình theo công thức giá thể nhân giống, đặc biệt tìm nguồn vốn hỗ trợ để tiếp tục nghiên cứu nuôi cấy mô.

 

* Ông Phạm Văn Trọng, ngư dân thôn 5, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu: CẦN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO DÂN TRỒNG CÂY CHAI LÁ CONG”

 

061102-ONG-TRONG.jpgKhi Hội Nông dân huyện Sông Cầu giải thích và vận động bà con tham gia dự án VIE/01/007, biết cây chai lá cong là loại cây quý hiếm, nên bà con tích cực hưởng ứng. Riêng tôi tự bỏ tiền túi thuê máy ủi  8.000m2 đất để trồng 500 cây chai, đồng thời vận động thêm 6 người trong thôn 5 tham gia trồng 4ha loại cây này.

 

Hầu hết các rừng chai lá cong chúng tôi trồng đều phát triển rất tốt, chiều cao mỗi cây đạt từ 80cm – 1,2m. Bây giờ, bà con đã nhận thức được lợi ích, trách nhiệm cùng cộng đồng tham gia khôi phục, bảo tồn cây chai lá cong quí hiếm; nhận thức đầy đủ về việc phải trồng rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng bà con sẽ tiếp tục tích cực tham gia trồng rừng. Về lâu dài, để người dân yên tâm đầu tư chăm sóc và phát triển trồng cây chai, tôi kiến nghị chính quyền địa phương cần quan tâm, ưu tiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng chai lá cong cho dân ở ven biển Sông Cầu.

 

NGUYÊN LƯU (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek