Thứ Ba, 01/10/2024 14:27 CH
5 vấn đề cần giải quyết cho chương trình nước sạch nông thôn
Thứ Ba, 31/10/2006 07:30 SA

7 năm qua, nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) đã được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Tuy nhiên, những mục tiêu về tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch ở nông thôn cũng ở mức 48%. Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã đề ra chiến lược quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu đạt được hiệu quả của các công trình đầu tư cũng như mục tiêu về tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch.

 

CHƯA PHÁT HUY ĐƯỢC HIỆU QUẢ

 

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà, một số công trình cấp nước tập trung cho dân các vùng nông thôn, nhất là vùng miền núi, ven biển chưa phát huy được hiệu quả cần thiết.

 

061031-nuoc-sach.jpg
Đời sống được cải thiện khi có nước sạch về buôn

 

Theo ước tính ban đầu, có khoảng 20% công trình cấp nước do Nhà nước đầu tư xây dựng cho dân không phát huy hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Y Thông, cho biết: Một số công trình cấp nước tập trung vẫn không phát huy được hiệu quả bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu và đầu tiên là khâu khảo sát, đánh giá nguồn nước không đúng thực tế. Theo ông Y Thông, vùng miền núi đất đỏ bazan Sông Hinh có nguồn nước ngầm trữ lượng lớn ở độ sâu khoảng 60 – 80m so mặt đất. Hầu hết các công trình xây dựng khai thác nguồn nước ngầm đều không đánh giá đúng và thi công theo độ sâu cần có dẫn đến tình trạng thiếu nước.

 

Hằng năm, cứ đến mùa khô, tình trạng thiếu nước nhiều vùng nông thôn diễn ra trầm trọng. Đây là “căn bệnh” trầm kha mà đến nay vẫn chưa tìm ra cách giải quyết triệt để. Từ khâu quản lý yếu kém đến không có nguồn thu tạo quĩ sửa chữa, duy tu, quản lý công trình sau đầu tư... là những khó khăn, cản trở việc phát huy hiệu quả của chương trình.

 

CẦN THỰC HIỆN 5 VẤN ĐỀ CỐT LÕI

 

Mục tiêu của chương trình quốc gia NS&VSMTNT đến năm 2010 của Phú Yên là 85% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh với tiêu chuẩn từ 30 – 60 lít/người/ngày. Tổng kinh phí nhằm đạt được mục tiêu này là 62 tỷ đồng.

 

Trong giai đoạn từ 1999 – 2005, Nhà nước đã trích ngân sách bình quân 2,8 tỷ đồng/năm, tổng cộng đã có 1,76 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cùng với 16,627 tỷ đồng từ TW và gần 17 tỷ đồng đầu tư của nhân dân, 1,21 tỷ được hỗ trợ từ tổ chức Unicef đầu tư cho 36 công trình cấp nước tập trung, 250 giếng nước, 97 công trình thuộc chương trình 135 và 1.267 giếng đào do người dân tự làm. Tất cả các công trình trên phục vụ cho 95.229 người dân.

 

Tuy nhiên, theo tính toán của Trung tâm NS&VSMTNT Phú Yên, người dân đã tự bỏ ra 16,814 tỷ đồng để xây dựng 1.267 giếng nước cho 19.000 người sử dụng. Tính ra, mỗi giếng nước có 15 người sử dụng với kinh phí xây dựng trên 132 triệu đồng.

Một số chương trình hành động chủ yếu của chương trình được tập trung vào các mặt: Tăng cường công tác truyền thông và sự tham gia của cộng đồng về sử dụng nước sạch và vệ sinh cá nhân đến hộ gia đình và cộng đồng dân cư nông thôn theo phương thức truyền thông “từ dưới lên”. Tức phát huy nguồn lực, vai trò, trách nhiệm từ người được hưởng lợi đến chính quyền địa phương... Đổi mới cơ chế tài chính trên nguyên tắc phát huy nội lực, người sử dụng góp kinh phí quản lý, duy tu, sửa chữa công trình sau đầu tư; cải tiến tổ chức, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực, thành lập hệ thống quản lý chuyên ngành sau đầu tư; nghiên cứu và áp dụng công nghệ phù hợp; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà, để đạt được những mục tiêu cụ thể theo thời gian đề ra của chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT, Phú Yên cần thực hiện triệt để 5 vấn đề cốt lõi sau: Xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư theo từng năm trên tinh thần khảo sát hoạt động nhiều nguồn vốn, tiến hành lồng ghép nhiều chương trình ngoài những chương trình mục tiêu quốc gia, kêu gọi nhiều nhà đầu tư, tài trợ cùng tham gia; Tập trung mạnh mẽ vào khâu thăm dò, khảo sát từng nguồn nước phù hợp để có hướng đầu tư cho hiệu quả; Bên cạnh đó, yếu tố không kém phần quan trọng là phải tiến hành đầu tư một cách đồng bộ; Chỉ thực hiện đầu tư khi công trình đã được xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp cụ thể từ khâu xây dựng đến vận hành, quản lý và phải tổ chức được nguồn thu dành cho công tác quản lý công trình sau đầu tư. Cuối cùng là kêu gọi người dân làm tốt công tác khai thác, quản lý đến khâu sử dụng tốt và khai thác có hiệu quả nguồn nước ngầm.

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek