Chủ Nhật, 13/10/2024 16:18 CH
Các điểm di tích văn hóa:
Tiềm năng để phát triển du lịch
Chủ Nhật, 27/11/2011 07:50 SA

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), mới đây, Sở VH – TT – DL Phú Yên đã tổ chức một hoạt động đầy ý nghĩa, đó là cuộc khảo sát các điểm di tích văn hóa phật giáo và đình làng cổ Phú Yên. Qua cuộc khảo sát điền dã này, giúp các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong tỉnh có cái nhìn toàn diện hơn về những điểm di tích quý giá của vùng đất Phú được xem là đất tổ của phật giáo đàng trong và những vốn quý mà cha ông để lại để giới thiệu du khách và là tiền đề để hình thành những tour du lịch chuyên đề về văn hóa tín ngưỡng.

 

co-lam111127.jpg

Khu mộ tháp cổ tại triền núi Sơn Chà (An Thạch - Tuy An) - phế tích chùa Cổ Lâm - Ảnh: T.QUỚI

QUA MIỀN DI TÍCH

 

Phú Yên là địa phương lưu giữ cho mình một nền di sản văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo. Trong chuyến khảo sát vừa qua, Sở VH – TT – DL, các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa và các doanh nghiệp du lịch lữ hành đã chọn những di tích tiêu biểu, độc đáo có nhiều khả năng hình thành những tour du lịch văn hóa.

 

Điểm đến đầu tiên là đền thờ Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa). Đây được xem là điểm di tích tiêu biểu của vùng đất Phú. Du khách sẽ được tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của vị thành hoàng bổn xứ có công khai mở đất Phú Yên. Tại đây, còn lưu giữ 14 sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn cho đức Quận công Lương Văn Chánh. Kể từ năm 2009, di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh được tỉnh Phú Yên đầu tư hơn 20 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo để đón du khách trong và ngoài tỉnh tham quan.

 

Phó giám đốc Sở VH - TT - DL Phú Yên Phạm Văn Bảy: Chuyến khảo sát di tích có sự kết hợp nhiều thành phần này nhằm vào các mục tiêu: Khảo sát lại các giá trị văn hóa của di tích, từ đó giúp các cơ quan Nhà nước có cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ công nhận di tích (nếu hội đủ tiêu chuẩn) và phương án bảo tồn và phát triển. Đối với các doanh nghiệp thì hiểu rõ hơn giá trị di tích, qua đó phác thảo những tour du lịch về di sản văn hóa đặc trưng Phú Yên. Ngành VH - TT - DL sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến từ nhiều phía để có định hướng trong việc kết hợp giữa bảo tồn di tích văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Hai điểm đến ở huyện Tuy An được lựa chọn đưa vào chuyến khảo sát là di tích chùa Cổ Lâm và chùa Châu Lâm. Nếu Phú Yên được xem là quê hương Thiền sư Liễu Quán, tổ đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế thì di tích chùa Cổ Lâm và Châu Lâm là nơi có nhiều liên hệ với vị cao tổ. Hiện ở đây vẫn còn đền thờ và nhiều chứng tích của ngài. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, tác giả sách “Lược sử Phật Giáo Phú Yên”, chùa Hội Tôn là nơi Tổ Liễu Quán “đồng chơn nhập đạo”. Chùa Hội Tôn tồn tại trong một thời gian dài, rồi sau đó mới dời đến chùa Cổ Lâm xây dựng trên lưng chừng núi Sơn Chà, cách địa điểm cũ chừng 300m theo đường chim bay. Hiện ở khu di tích chùa Cổ Lâm vẫn còn 10 ngôi tháp, trong đó có 7 tháp hòa thượng và 3 tháp búp sen.

 

Trong khi đó, cổ tự Châu Lâm (phía nam núi Aman tại thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An) gắn với đền thờ Tổ Liễu Quán và nhiều di tích phật giáo. Đền thờ Tổ Liễu Quán được sư Khế Tâm xây dựng trên núi Aman phía tây chùa ở độ cao 20m. Chùa Châu Lâm còn lưu giữ tượng phật Thích Ca bằng đồng nặng khoảng 1,2 tấn, cao 1,5m; bia đá của 24 vị nữ đệ tử của thiền sư Pháp Lâm, đã hoằng hóa đạo pháp ở chùa Viên Thông tại Huế; Đại hồng chung cổ…

 

Hai điểm khảo sát mà các do­anh nghiệp du lịch lữ hành tỏ ra khá thích thú đó là chùa Thiên Hậu (chùa Ông, chùa Quan Thánh) dưới chân núi Nhạn và đình làng Phú Lâm. Đây là ngôi chùa của người Việt gốc Hoa ở TP Tuy Hòa. Ngôi chùa mang đầy đủ nét văn hóa tín ngưỡng của người Hoa. So với ngôi chùa Quan Thánh ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng là điểm đến nổi tiếng trong tour phố cổ, thì ngôi chùa này hoành tráng hơn. Ông Ngô Cần Tùng, Hội trưởng Hội người Hoa Phú Yên, cho biết: “Ngôi chùa này có từ năm 1882 khi cư dân người Hoa đến đây định cư. Năm 2010, với sự đóng góp của bà con người Hoa ngôi chùa được trùng tu khang trang hơn”.

 

Đình làng Phú Lâm cũng là nơi mang đậm tín ngưỡng dân gian vùng biển, được khá nhiều sắc phong. Ngôi đình tọa lạc trên khuôn viên thoáng mát nhìn thẳng ra cánh đồng lúa Tuy Hòa mênh mông. Phía trước ngôi đình cổ là đình thờ Thiên Y A Na (xây dựng năm 1866 – trùng tu 1999) và đình thờ Quan Thánh (xây dựng năm 1859 – trùng tu 2001). Theo các nhà nghiên cứu, ngôi đình cổ này được xây dựng cùng thời gian nêu trên. Đây là ngôi đình cổ nhất ở Phú Yên còn lưu giữ hiện nay. Hiện ngôi đình cổ vẫn còn khá nguyên vẹn với kiến trúc nhà ba gian hai chái. Gỗ dùng để làm nhà là gỗ ké được chạm khắc hoa văn rất tinh tế.

 

Den-tho-LVC-111127.jpg

Du khách tham quan đền thờ Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). - Ảnh: M.NGUYỆT

HƯỚNG ĐẾN ĐIỂM DU LỊCH

 

Qua chuyến khảo sát, được nghe các nhà nghiên cứu diễn giải nguồn gốc, giá trị văn hóa của từng di tích, các doanh nghiệp làm du lịch ai cũng thích thú. Thích thú vì những điểm di tích khá tiêu biểu và độc đáo, có nhiều tư liệu quý mà lâu nay chưa được khai thác. Ông Phạm Lương Đôn, phụ trách Trung tâm du lịch lữ hành Thuận Thảo, cho biết: “Lâu nay các tour tín ngưỡng phật giáo chúng tôi chỉ mới đưa vào một điểm như chùa Đá Trắng (danh thắng cấp quốc gia), chùa Thanh Lương (An Chấn với tượng Phật bà bằng gỗ trôi từ biển vào)… chứ chưa nghe đến di tích (phế tích) chùa Cổ Lâm, chùa cổ Châu Lâm nơi có nhiều liên hệ với thiền sư Liễu Quán. Hay như ngôi đình cổ Phú Lâm, một di tích khá độc đáo nằm trong lòng thành phố nhưng lại không hay biết…”. Anh Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Tuy Hòa, nói: “Rất hay, chúng tôi sẽ nghiên cứu những điểm đến này để đưa vào hành trình tour của mình”.

 

Điều làm nhiều người băn khoăn, đó là hạ tầng tại các điểm di tích quá thấp, đường vào quá nhỏ chưa đáp ứng được những đoàn du khách có từ 30 người trở lên (xe vào không vừa). Thứ nữa, tại các di tích chỉ còn lại tư liệu lịch sử với nhiều giả định, thiếu những hiện vật lịch sử để du khách có thể tham quan. Đây có lẽ là những bất cập lớn nhất.

 

Đối với những người làm công tác bảo tồn thì mong Nhà nước sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận cấp độ di tích, từ đó có chính sách đầu tư thỏa đáng để bảo tồn, tôn tạo di tích. Đây cũng là phương án chính để các di tích có thể kết hợp với du lịch.

  

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek