Chủ Nhật, 13/10/2024 04:22 SA
Du lịch biển, đảo duyên hải Nam Trung Bộ:
Tiềm năng và giải pháp phát triển
Chủ Nhật, 23/10/2011 10:30 SA

Du lịch biển, đảo là một trong những thế mạnh lớn nhất của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Song nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khai thác tương xứng. Thực trạng phát triển du lịch trong toàn vùng được chia thành hai nhóm, nhóm phát triển, đã có thương hiệu, gồm: Đà Nẵng, Hội An - Mỹ Sơn (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Thuận; nhóm phát triển chưa tương xứng tiềm năng, gồm: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận. Một mặt do điều kiện địa lý, nhưng mặt khác có thể thấy hạ tầng du lịch chưa phát triển đang là một rào cản lớn để có thể phát triển du lịch một cách đồng đều trong toàn vùng.

 

bbt111023.jpg

Khu du lịch Mũi Né (Bình Thuận) thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. - Ảnh: Q.THUẦN

TÀI NGUYÊN DU LỊCH PHONG PHÚ

 

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và biển; gần TP Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, là cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Biển xanh, cát trắng là điều người ta thường nghĩ đến khi nhắc tới biển, đảo Nam Trung Bộ. Dọc các tỉnh, thành trong khu vực (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), với 800km đường bờ biển trải dài, vùng biển Nam Trung Bộ có hàng chục vịnh, đảo đẹp cùng những bãi tắm cát trắng, nước trong xanh trong đó nhiều bãi biển, vịnh đẹp nhất Việt Nam, như biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), biển Cửa Đại, Tam Thanh (Quảng Nam), biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), biển Quy Nhơn (Bình Định), biển Tuy Hòa (Phú Yên), biển Nha Trang (Khánh Hòa)... từ lâu đã phát huy lợi thế các bãi biển, vịnh, đảo đẹp của mình, lấy đó làm điểm tựa để hình thành các khu nghỉ dưỡng.

 

Khách du lịch tới với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ không chỉ được vui chơi thỏa thích tại các khu nghỉ dưỡng, khám phá sự quyến rũ của những biển đảo hoang sơ, tự nhiên mà còn có cơ hội tìm hiểu những di sản văn hóa rất đặc trưng với quần thể đền tháp Champa huyền bí hay những danh thắng, di tích mang giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và nghỉ dưỡng. Có thể nói, vùng duyên hải Nam Trung Bộ có tài nguyên du lịch dồi dào, đặc biệt là du lịch biển, đảo với nhiều sản phẩm phong phú, đặc sắc được khai thác phục vụ thị trường khách quốc tế cũng như nội địa.

 

Với tài nguyên du lịch đầy hấp dẫn như vậy, song hoạt động du lịch tại duyên hải Nam Trung Bộ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng ở một số địa phương, như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận hoặc một số tỉnh đã có thương hiệu du lịch mạnh như Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam lại đối mặt với vấn đề về quy hoạch, ô nhiễm môi trường du lịch biển... vì thế khách du lịch đến duyên hải Nam Trung Bộ khá thấp. Theo thống kê 5 năm từ 2005-2009, cả vùng ước đón hơn 2 triệu lượt khách nội địa, chiếm 15,15% tổng lượt khách cả nước. Trong khi đó, chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh đã có gần 3 triệu lượt khách, chiếm 29,55% lượt khách cả nước.

 

GIẢI PHÁP CHO DU LỊCH BIỂN, ĐẢO NAM TRUNG BỘ

 

Với hiện trạng phát triển du lịch, với lợi thế tài nguyên du lịch biển, đảo duyên hải Nam Trung Bộ, theo tôi cần một số các giải pháp chính.

 

da-dia111023.jpg

Gành Đá Đĩa (An Ninh Đông, huyện Tuy An) một tiềm năng lớn về du lịch chưa được đầu tư khai thác tương xứng - Ảnh: T.Q

Về quy hoạch phát triển: Cần có những chế tài chặt chẽ đối với hoạt động đầu tư để đảm bảo yếu tố cảnh quan đồng bộ cho khu du lịch, điểm du lịch; đảm bảo giữ cảnh quan thiên nhiên cho các tài nguyên du lịch. Trong quy hoạch cần nghiên cứu kỹ sức chứa của điểm du lịch để đảm bảo hoạt động du lịch có thể phát triển bền vững… Nên quy hoạch riêng biệt thành các khu du lịch cao cấp và khu du lịch đại chúng, kinh doanh theo nguyên tắc “chất lượng cao – giá cao; chất lượng thấp – giá thấp”. Cần có các dự án đầu tư cho năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng sức gió,..), nước sạch cho các vùng trên đảo, cho các làng chài của ngư dân để có thể đảm bảo vừa phục vụ đời sống của cư dân, vừa đảm bảo phục vụ kinh doanh du lịch, giúp hạ giá thành cho các sản phẩm du lịch tại những khu vực hiện đang có cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém, đặc biệt trong điều kiện duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng khô hạn của cả nước.

 

Về trách nhiệm quản lý nhà nước: Cần thường xuyên kiểm tra và có những mức phạt hành chính đáng kể đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trong công tác đảm bảo an toàn du khách, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

 

Về nguồn nhân lực: Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cần có các dự án đào tạo về ngoại ngữ, về nâng cao kiến thức du lịch cộng đồng cho dân cư địa phương.

 

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Ngoài các sản phẩm hiện có, cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương; đa dạng hóa các hình thức lưu trú, tham quan, thưởng ngoạn…

 

Chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để tạo sản phẩm liên kết theo hướng chuyên đề. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin du lịch ra các thị trường trong và ngoài nước.

 

Năm 2011 - Năm du lịch Quốc gia với chủ đề “Du lịch biển, đảo” đã và sẽ thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Đây sẽ là cú hích tạo nên bước đột phá trong du lịch biển, đảo Nam Trung Bộ nói riêng, du lịch biển, đảo Việt Nam nói chung.

 

Th.S NGUYỄN THU THỦY

(Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia Hà Nội)

TRẦN QUỚI (lượt ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek