Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương (DNTN Hoàng Dương), được cấp phép khai thác cát với công suất 400m3/tháng trên sông Cái (huyện Tuy An). Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp này lại bị người dân phản ứng, vì cho rằng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Công nhân của DNTN Hoàng Dương khai thác cát tại sông Cái hồi tháng 8/2011 - Ảnh: A.NGỌC
TỪ KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI DÂN
DNTN Hoàng Dương được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát trên sông Cái (đoạn gần cầu Ngân Sơn, thuộc thôn Long Hòa, xã An Định, huyện Tuy An) để phục vụ nhu cầu xây dựng và dân sinh, với 1,8ha, trữ lượng 18.000m3, công suất 400m3/tháng, thời gian khai thác từ tháng 2 đến tháng 9/2011. Tuy nhiên, theo người dân địa phương phản ánh, trong quá trình khai thác cát, doanh nghiệp này đã bất chấp các quy định, như tự “thiết kế” địa điểm khai thác, khai thác vượt quá khối lượng cát đã quy định trong giấy phép… Hậu quả, ven bờ sông Cái xuất hiện nhiều hầm ếch, gây nguy cơ sạt lở và “nuốt” đất sản xuất, đất thổ cư của người dân ở thôn Phú Mỹ (xã An Dân) trong mùa mưa lũ năm nay. Những sai phạm trên của DNTN Hoàng Dương đã bị các ngành chức năng và chính quyền huyện Tuy An xử phạt hai lần, với 13 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi xử phạt, tình hình không chuyển biến theo hướng tích cực, mà ngày càng xấu đi, với việc xảy ra xô xát giữa công nhân của DNTN Hoàng Dương với hàng chục người dân thôn Phú Mỹ tại khu vực tập kết cát của doanh nghiệp này, gây mất an ninh trật tự ở địa phương; quá bức xúc, người dân gửi đơn kiến nghị đến đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Từ thông tin phản ánh của người dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế, làm việc với các ngành liên quan và chính quyền địa phương, đưa ra nhận định: Việc người dân ở thôn Phú Mỹ (xã An Dân) phản ảnh là có cơ sở, đồng thời đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác cát của DNTN Hoàng Dương, vì không thực hiện đúng theo nội dung giấp phép được cấp. Doanh nghiệp này còn không chấp hành đầy đủ các ý kiến kết luận của UBND tỉnh và huyện Tuy An, thiếu hợp tác với chính quyền sở tại và nhân dân trong giám sát; cố tình vi phạm nhiều lần và gây phức tạp tình hình an ninh trật tự xã hội.
NGÀNH CHỨC NĂNG NÓI KHÔNG CÓ CƠ SỞ
Ngày 16/9, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND huyện Tuy An tiến hành kiểm tra việc khai thác cát và công tác bảo vệ môi trường của DNTN Hoàng Dương. Nếu sự việc đúng như kiến nghị của nhân dân và đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác đối với doanh nghiệp này để đảm bảo an ninh trật tự cũng như chống xói lở bờ sông, xâm thực đất khu dân cư thôn Phú Mỹ. Trước đó, sau khi có chuyến thị sát thực tế vào ngày 7/3, đồng chí Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh không thống nhất vị trí tập kết cát của DNTN Hoàng Dương dưới chân cầu Ngân Sơn (mặc dù doanh nghiệp đã có hợp đồng với UBND xã An Dân), đồng thời giao UBND huyện Tuy An xem xét quy hoạch bãi tập kết cát cho doanh nghiệp này và giải quyết dứt điểm khiếu nại của nhân dân; giao Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, thông báo khoảng cách vị trí khai thác cát cách cầu Ngân Sơn và hai bên bờ sông bằng các mốc cố định trên bờ, đồng thời cắm cờ hiệu tại vị trí khai thác để nhân dân biết.
Theo kết luận của Sở Tài nguyên - Môi trường, các ngành liên quan và xã An Dân tại cuộc họp ngày 22/6, việc người dân thôn Phú Mỹ nhiều lần kiến nghị, cho rằng DNTN Hoàng Dương khai thác cát không theo giấy phép, tạo nhiều hầm ếch ven bờ sông, nguy cơ gây sạt lở và xâm thực vào khu dân cư, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân là không có thật và không có cơ sở chứng minh. Tuy nhiên, ngày 30/8 người dân thôn Phú Mỹ lại tiếp tục làm đơn phản ảnh DNTN Hoàng Dương khai thác cát ngoài vị trí cho phép. Tiếp đó, ngày 12/9 Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy An phối hợp với UBND xã An Dân tiến hành kiểm tra dọc bờ sông thuộc địa bàn thôn Phú Mỹ (cách bờ 4-5m, độ sâu 2-3m) thì không xác định được hầm trũng như người dân phản ảnh.
Từ kết quả trên, tại cuộc họp ngày 27/9 do Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì đã kết luận: Việc khiếu kiện của người dân thôn Phú Mỹ là không có cơ sở. Nguyên nhân là do một số người có xuồng khai thác cát kích động người khác dẫn đến khiếu kiện; việc xử lý vi phạm hành chính của DNTN Hoàng Dương là có cơ sở, tuy nhiên do lần đầu vi phạm nên nhắc nhở, cảnh cáo, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý. Mặt khác, vị trí khai thác theo giấy phép được cấp cho doanh nghiệp này là hơi khó khăn (vì nằm ở lòng sông), do đó phương pháp khai thác bơm hút là phù hợp, cần thẩm định kỹ phương pháp khai thác trước khi trình cấp có thẩm quyền để cấp phép khai thác cát. Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường, những sai phạm của DNTN Hoàng Dương chưa đến mức nghiêm trọng phải thu hồi giấy phép, đề nghị UBND tỉnh cấp phép mới cho doanh nghiệp sau khi đã chỉnh sửa lại hồ sơ phù hợp, đồng thời đề nghị địa phương mời những hộ dân có xuồng khai thác cát đến làm việc và giải thích…
NHỮNG ĐIỀU MẮT THẤY, TAI NGHE
Chúng tôi về thôn Phú Mỹ, xã An Dân để trực tiếp gặp gỡ người dân sinh sống, sản xuất ven sông Cái, đoạn DNTN Hoàng Dương đã tiến hành khai thác cát và tận mắt chứng kiến sự xâm thực đến chóng mặt của dòng sông. Từ phía bắc cầu Ngân Sơn ngược lên thượng nguồn hơn 1km, hàng trăm ha đất sản xuất, mồ mả của người dân đang bị dòng sông xâm lấn hằng ngày. Những rặng tre từng ngăn sông, giữ đất, nay gần như không còn. Người dân địa phương cho hay, trước kia bờ sông Cái cách đất sản xuất hơn 50m, nay thì lấn sâu vào và tạo nhiều hầm ếch do nạn hút cát ven bờ. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù sông Cái đang mùa nước lớn, tình trạng hút cát đã tạm dừng, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy dòng sông đang “ăn đất” hằng ngày. Gần bãi tập kết cát của DNTN Hoàng Dương, nhiều bụi tre nghiêng ngả, có hiện tượng tróc gốc, cuốn trôi. Đi xa hơn về phía thượng nguồn, nhiều hộ dân phải dùng bao cát đắp bờ để chống sạt lở đất sản xuất. Chị Võ Thị Loan ở thôn Phú Mỹ cho biết: “Gia đình tôi có năm người, thu nhập dựa vào 2.500m2 đất, nay chỉ còn 1.500m2 do sông xâm lấn. Đã vậy, hơn 8 tháng qua nạn hút cát dọc bờ sông từ mờ sáng đến tối của DNTN Hoàng Dương, với hàng trăm xe chở cát mỗi ngày, khiến tôi càng lo ngại hơn, vì phần diện tích còn lại có thể sẽ bị sông “nuốt” bất cứ lúc nào. Đã nhiều lần kiến nghị, nhưng lãnh đạo xã trả lời, do tỉnh cấp phép nên không thể can thiệp”.
Không những đất sản xuất, hàng chục ngôi mộ dọc bờ sông cũng đã bị nước moi móng, nằm chỏng chơ bên mép nước. Đáng lo ngại hơn, bờ kè được xây dựng cách đây 6-7 năm, hiện nhiều đoạn đang có dấu hiệu nứt gãy, sụt lún. Cột điện cao thế thuộc lưới điện quốc gia cách bờ hơn 30m rất có thể bị cuốn phăng nếu nước lũ đổ về. Nhiều hộ dân sinh sống ven sông lo ngại sẽ bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa, vì hiện tại bờ sông chỉ còn cách móng nhà không quá 10m. Bà Nguyễn Thị Long (59 tuổi) ở thôn Phú Mỹ cho biết: “Mùa mưa lũ năm 2009, sông lấn sâu vào đất thổ cư hơn 10m, năm 2010 sông lấn thêm hơn 1m, năm nay dòng sông Cái đang tiếp tục ăn sâu vào bờ do nạn khai thác ven bờ. Tính mạng, nhà cửa của gia đình tôi bị đe dọa khi mùa mưa lũ đến gần”. Ông Tôn Hành Chi và bà Trần Thị Hồng ở thôn Phú Mỹ bức xúc: “Nhà nước cấp phép khai thác cát thì doanh nghiệp phải khai thác đúng vị trí, không được lợi dụng giấy phép mà khai thác tràn lan, làm xáo trộn đời sống của nhân dân. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương cho người dân đối chất trực tiếp với DNTN Hoàng Dương và không nên gia hạn hợp đồng khai thác cát đối với doanh nghiệp này. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời, không nên để doanh nghiệp lợi dụng giấy phép, hút cát và gây xâm thực đất của nhân dân”.
Qua tìm hiểu được biết, trong hơn 30 hộ làm đơn kiến nghị chính quyền các cấp cần có biện pháp cứng rắn, xử lý tình trạng khai thác cát sai địa điểm của DNTN Hoàng Dương. Bà Trần Thị Thấp ở thôn Phú Mỹ bức xúc: “Nhà nước xây kè, tôi đã phải hiến hàng tre, đất sản xuất. Tưởng rằng để giữ đất, giữ làng, ai dè nay Nhà nước lại cho doanh nghiệp ồ ạt khai thác cát, khiến mồ mả của người thân bị cuốn trôi”.
Những bức xúc của người dân là có thật, việc ngành chức năng và địa phương cho rằng không có cơ sở thì cũng phải giải thích cho người dân biết. Các ngành chức năng nên tiến hành kiểm tra độ “móc ruột” lòng sông, trữ lượng, công suất khai thác cát theo quy định và mức độ ảnh hưởng môi trường, đời sống người dân. Nếu phát hiện sai phạm thì xử phạt nghiêm minh.
NGUYỄN NAM