Trong khi Việt Nam được đánh giá là nước có ngành thủy sản phát triển mạnh của khu vực thì tại Phú Yên, nơi có nguồn nguyên liệu thủy sản chất lượng cao nhưng ngành chế biến thủy sản chưa có sự phát triển mạnh như ở Khánh Hòa, Bình Định... Để khắc phục tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang tập trung đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Chế biến tôm xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH Bá Hải - Ảnh: A.NGỌC
“CHẢY MÁU” NGUYÊN LIỆU
Phú Yên có sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tương đối lớn, bình quân 43.600 tấn/năm, riêng cá ngừ đại dương có hơn 5.000 tấn/năm và tôm nuôi đạt 5.600 tấn/năm. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 triệu USD, đến năm 2010 đạt 21 triệu USD; tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 31,5%/năm. Tuy nhiên, ngành thủy sản Phú Yên chủ yếu tập trung ở việc mua gom, sơ chế và xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thủy sản có giá trị gia tăng cao.
Nếu so sánh với hai tỉnh lân cận là Bình Định và Khánh Hòa thì nguồn nguyên liệu trong khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên tương đối lớn, nhưng sản lượng dùng cho ngành chế biến thủy sản lại quá ít, chỉ khoảng 3.000-5.000 tấn/năm, chiếm 7,5-8% tổng sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản hàng năm của tỉnh (trong khi ở Khánh Hòa, sản lượng thủy sản đưa vào chế biến chiếm đến 77%, ở Bình Định là 12%). Điều này cho thấy, ngành chế biến thủy sản ở Phú Yên vẫn chưa sử dụng hết nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Một số nhà máy chế biến thủy sản mới chỉ hoạt động với 25% công suất (do không đủ nguyên liệu), trong khi có đến hơn 80% nguyên liệu bị “hút” ra ngoài tỉnh gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản và làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách của tỉnh. Nguyên nhân là công tác quản lý nguồn nguyên liệu khai thác, đánh bắt chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo được sự liên kết giữa người đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và cơ sở chế biến, chế biến nên ngư dân sẵn sàng bán sản phẩm cho thương lái nơi khác nếu được giá.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp ngành thủy sản đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến thủy sản nhằm phục vụ xuất khẩu. Bước đầu, ngành chế biến thủy sản ở Phú Yên đã tạo ra một số sản phẩm đạt chất lượng và đã có mặt trên một số thị trường các nước khó tính. Tuy nhiên, quy mô và năng lực sản xuất vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển ngành thủy sản của tỉnh.
Nhân viên kỹ thuật chế biến thủy sản vận hành hệ thống máy làm lạnh tại Nhà máy của Công ty TNHH Bá Hải - Ảnh: N.XUÂN
ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp xuất khẩu thủy sản, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới quy trình công nghệ để tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài.
Mới đây, Công ty TNHH Bá Hải đưa vào hoạt động cả hai nhà máy chế biến thủy sản với dây chuyền công nghệ hiện đại, chuyên sản xuất các mặt hàng đông lạnh xuất khẩu có thế mạnh tại địa phương như tôm thẻ, cá ngừ, ghẹ lột... có giá trị kinh tế rất cao. Công ty đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, nâng kho lạnh có sức chứa từ 300 tấn lên 1.200 tấn, dây chuyền sản xuất tôm luộc và đông nhanh IQF có thể cho ra sản phẩm trong vòng 30 phút với công suất 500kg/giờ (theo công nghệ của Đức); dây chuyền chế biến cá ngừ xông khói, sản xuất các mặt hàng ăn liền từ tôm thẻ chân trắng... Nhà máy của Công ty TNHH Bá Hải đã nâng công suất chế biến từ 3.000 tấn/năm lên 10.000 tấn/năm. Đến nay, doanh nghiệp này đã sản xuất vài chục mặt hàng thủy sản các loại, chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ ghẹ, tôm thẻ chân trắng, cá ngừ đại dương, được xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan... Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bá Hải, cho biết: Để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế, việc đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới quy trình công nghệ trong chế biến hàng thủy sản là vô cùng cần thiết. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp tự khẳng định thương hiệu của mình trên những thị trường khó tính.
Ngành sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu luôn đặt ra những tiêu chuẩn, quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, chỉ cần một sai sót nhỏ khiến sản phẩm mất uy tín thì các doanh nghiệp khó lòng làm ăn tiếp. Vì vậy, các công đoạn sản xuất phải hết sức chặt chẽ và có sự hỗ trợ sát sao của các loại máy móc, thiết bị, các quy trình công nghệ tiên tiến. Đây cũng là cách doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Với công nghệ sản xuất hiện đại, doanh nghiệp có thể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian sản xuất, hạn chế sức lao động, giảm giá thành sản phẩm... Ngoài ra, nếu biết tận dụng tính năng của các thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp còn có thể tạo thêm nhiều sản phẩm mới trên cơ sở nguyên liệu hiện có, đặc biệt là các sản phẩm tinh chế, sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Phú Yên vẫn đang mở rộng cửa cho các doanh nghiệp dám đầu tư, đổi mới công nghệ, tạo được sản phẩm có chất lượng và thương hiệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần khắc phục những khó khăn về nguồn nguyên liệu, vốn, lao động... để có thể hoạt động hiệu quả và ổn định, tạo được uy tín với các đối tác khó tính nước ngoài.
NGÔ XUÂN – ANH NGỌC