Hiện nay, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Do vậy, để giữ chân khách hàng, nhiều tiểu thương đã thay đổi phong cách và kỹ năng bán hàng…
Khách hàng mua hoa tại chợ TP Tuy Hòa - Ảnh: X.HUY
“VUI LÒNG KHÁCH ĐẾN, VỪA LÒNG KHÁCH ĐI”
Trước đây, người tiêu dùng vẫn chưa hài lòng với chợ truyền thống do hàng hóa sắp xếp lộn xộn, nhiều khu vực mất vệ sinh... Người mua hàng thường mướt mồ hôi do phải chen lấn, tranh nhau mua hàng, nhất là vào giờ cao điểm. Ngoài ra, khách hàng càng thêm bực bội bởi cung cách bán hàng thiếu tế nhị như nói thách, cân đo thiếu trung thực của một số tiểu thương.
Đời sống ngày một nâng lên, tiêu chí mua hàng giá rẻ không còn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu, cùng với đó là sự xuất hiện của siêu thị, cửa hàng tiện ích nên những người buôn gánh bán bưng ở chợ truyền thống dần mất khách hàng. Ngay cả khi kinh tế khó khăn, vật giá tăng cao, người tiêu dùng vẫn đến mua hàng tại siêu thị do được khuyến mãi, được mua hàng bình ổn giá, yên tâm về chất lượng và được chăm sóc tận tình. Do đó, để tồn tại, nhiều tiểu thương ở các chợ đã thay đổi cung cách giao tiếp, ứng xử với khách theo tiêu chí “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Ngoài ra, tiểu thương cũng thường xuyên lau dọn vệ sinh, thay những tủ kiếng bày hàng bằng các kệ sắt nhằm tạo sự gần gũi, giúp khách được xem hàng trực tiếp chứ không phải chờ người bán lấy ra như trước đây.
Cách đây vài ngày, tôi đưa một cô bạn đi mua sắm tại chợ Tuy Hòa. Đến sạp hàng quần áo, xem xong hơn chục chiếc áo, bạn tôi lựa được một chiếc áo sơ mi nữ ngắn tay. Chủ sạp hàng cho biết, chiếc áo có giá hơn 140.000 đồng nên bạn tôi “lắc đầu”, trả giá thấp để khỏi phải mua. Dù biết bạn tôi trả giá cho xong chuyện, nhưng bà chủ không lấy làm khó chịu, miệng tươi cười giải thích: “Hàng gốc đó em à, tuy có mắc một chút nhưng bù lại chất liệu vải tốt, mặc vào vừa mát vừa đẹp lại sang trọng”. Trước thái độ ân cần trên, bạn tôi “xiêu lòng” và quyết định mua chiếc áo đó với giá “làm quen” là 125.000 đồng.
Theo chị Trần Thị Hương Nhài, một tiểu thương bán cá ở chợ thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa): Muốn bán được hàng, ngoài việc luôn niềm nở, tươi cười với khách, người bán còn phải đoán biết ý khách hàng, tận tình hướng dẫn khách lựa chọn hàng hóa dù khách có mua hay không. Chị Lê Thị Vân, một khách hàng ở phường 5, TP Tuy Hòa cho biết: “Tôi thường đi chợ mua hàng do giá mềm, ngành hàng lại đa dạng, được chủ động mua sắm, không phải chen lấn, phải nghe những lời móc máy từ phía người bán như trước đây”.
CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP THIẾT THỰC
Các tiểu thương đều ví nghề của họ như “làm dâu trăm họ”, bởi khách hàng “chín người mười ý”. Người bán cần chủ động nhường khách, khéo léo thuyết phục, giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của khách thì việc mua bán trở nên dễ dàng hơn.
Để cạnh tranh với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, ngoài việc liên tục học hỏi, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng, các tiểu thương phải nghiêm túc chấp hành việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết nhằm tạo yên tâm cho khách hàng. Bên cạnh đó, các chợ cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sạch đẹp để khách hàng thoải mái khi mua hàng. Đưa ra mức giá chung trong từng ngành hàng, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như tổ chức dịch vụ giao hàng tận nơi cũng cần được các tiểu thương áp dụng. Để thu hút khách đến với chợ, tiểu thương phải có những thay đổi như: Bày biện hàng hóa bắt mắt, gọn gàng, lịch sự trong giao tiếp, bán đúng giá, cân đủ, không nói thách, nói đố và tăng cường công tác tư vấn cho khách hàng. Tiểu thương cũng nên tổ chức các chương trình khuyến mãi, tặng quà để khách hàng cảm nhận mình là “thượng đế”, sẽ mua hàng nhiều hơn. Các sở, ngành cần mở thêm nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tiếp thị, mời chào khách cho các tiểu thương.
Ông Nguyễn Chí Xanh, Phó Ban quản lý chợ Tuy Hòa, cho biết: “Ngoài việc trực tiếp đến từng quầy hàng để vận động, nhắc nhở bà con thực hiện “Văn minh thương mại - bán hàng đúng giá”, Ban quản lý chợ cũng thường xuyên sử dụng loa truyền thanh để tuyên truyền, vận động bà con giữ vững nề nếp, an toàn vệ sinh thực phẩm trong buôn bán. Hiện Ban quản lý chợ đã tiến hành lắp đặt hệ thống chống thấm và thoát nước để đảm bảo vệ sinh trong mùa mưa, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và nhu cầu mua sắm của người dân”.
XUÂN HUY