Nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, trong đó có quyết định hỗ trợ tiền mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Tuy nhiên, vì nhiều chủ tàu chưa ý thức được sự cần thiết của loại hình bảo hiểm này nên chưa tự nguyện mua. Về phần mình, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mấy mặn mà chào bán sản phẩm khi vướng phải nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nghiệp vụ.
Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) chuẩn bị cho chuyến ra khơi - Ảnh: M.NGUYỆT |
NGƯ DÂN CHƯA TỰ NGUYỆN
Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có trên 7.200 tàu cá với gần 29.000 lao động đánh bắt thủy sản; trong đó có khoảng 6.500 tàu đánh cá cỡ nhỏ (công suất dưới 90cv) hoạt động tại các vùng nước ven bờ. Các tàu có công suất từ 90cvtrở lên tập trung ở TP Tuy Hòa, các huyện Tuy An, Đông Hòa…, chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ.
Từ năm 2008 đến 2010, theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân được hỗ trợ dầu cho mỗi chuyến biển với điều kiện bắt buộc là tàu thuyền phải có bảo hiểm, nên các chủ tàu đổ xô đi mua bảo hiểm. Từ giữa năm 2010, khi quyết định mới ra đời, ưu tiên hỗ trợ cho tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên, chủ những tàu có công suất nhỏ không còn lưu tâm đến việc mua bảo hiểm nữa. Ông Phan Vũ, một chủ tàu có công suất dưới 40CV ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa cho biết: “Chúng tôi chủ yếu đánh bắt ven bờ, chuyến dài nhất cũng chỉ đi dăm ba ngày là về nên ít gặp rủi ro. Thêm vào đó, vì điều kiện kinh tế khó khăn, giá dầu và trang thiết bị phục vụ cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng cao nên gia đình tôi không muốn tốn thêm khoản tiền đóng phí bảo hiểm”.
Theo biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định, một tàu có công suất từ 90CV đến 120CV, nếu tham gia bảo hiểm tàu cá toàn bộ gồm thân tàu và thuyền viên thì phải mất khoảng 6 triệu đồng/năm. Khi chia đều mức phí bảo hiểm này cho mỗi ngày trong năm thì ngư dân chỉ tốn 17.000 đồng/ngày để “mua” sự an tâm cho bản thân và đảm bảo hạn chế rủi ro đối với tài sản của mình. Hiện những tàu có công suất từ 90CV trở lên còn được hỗ trợ 50% tiền bảo hiểm thân tàu và 100% tiền bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Tuy nhận được nhiều ưu đãi nhưng số lượng chủ tàu tự nguyện mua bảo hiểm tàu cá còn rất hạn chế. Theo Lạch trưởng lạch Phú Câu (phường 6, TP Tuy Hòa) Lê Văn Lai, dù được hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm nhưng thủ tục rắc rối, mất nhiều thời gian khiến người dân không mấy mặn mà tham gia. Ngư dân mua bảo hiểm không hẳn vì đề phòng tai nạn mà vì áp lực của ngân hàng yêu cầu phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn.
Các điều khoản ghi trong hợp đồng bảo hiểm còn quá rườm rà, phức tạp cũng là một nguyên nhân khiến ngư dân “né tránh” mua bảo hiểm tàu cá. Ông Huỳnh Cư, ngư dân ở lạch Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa cho biết: “Mua bảo hiểm cũng đỡ lắm, nếu lỡ gặp tai nạn thì được công ty bảo hiểm giải quyết bồi thường, nếu chuyến biển an toàn thì có bảo hiểm cũng giúp mình yên tâm ra khơi. Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm dùng một số từ chuyên môn khiến ngư dân khó hiểu. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp bảo hiểm giải thích cặn kẽ hoặc dùng những từ thông dụng hơn để ngư dân dễ dàng nắm vững những điều khoản ghi trong hợp đồng”.
Ngư dân cần chủ động mua bảo hiểm để phòng tránh rủi ro trước những chuyến khơi xa - Ảnh: L.HẢO
DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM KHÔNG MẶN MÀ
Hiện các đơn vị kinh doanh bảo hiểm ở Phú Yên không mấy mặn mà với nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá. Nhiều chủ doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn cho biết: Các tổng công ty thường hạn chế loại hình bảo hiểm này tại các tỉnh miền Trung vì ở đây hay xảy ra bão lũ, doanh nghiệp dễ gặp rủi ro khi khai thác thị trường, tiền bồi thường hằng năm thường cao hơn so với doanh thu. Đơn cử, năm 2009, Bảo Minh Phú Yên thanh toán khoảng 300 triệu đồng cho 15 tàu bị lũ cuốn trôi ở TX Sông Cầu. Từ đầu năm 2011 đến nay, Bảo Long Phú Yên đã giải quyết bồi thường cho 3 vụ tàu chìm (một tàu ở TX Sông Cầu, hai tàu còn lại ở huyện Đông Hòa) với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Theo ông Võ Anh Khoa, Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc xác định nguyên nhân tai nạn, mức độ thiệt hại để giải quyết bồi thường. Do đặc thù của nghề đánh bắt thủy sản là hiện trường xảy ra tai nạn ở ngoài khơi, đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm và các bên liên quan phải mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác nhận và hoàn tất hồ sơ theo quy định nên thời gian bồi thường bị chậm trễ. Chưa kể, nhiều trường hợp tìm cách trục lợi bằng việc mua bảo hiểm sau khi tàu xảy ra tai nạn dẫn đến kiện tụng kéo dài… Phó giám đốc Công ty Bảo Long Phú Yên Lê Đức Dũng cho rằng: Sự phối hợp giữa các đơn vị bảo hiểm, đồn biên phòng, ngân hàng, ngư dân chưa được ăn ý; việc tàu xuất bến không khai báo với các đồn biên phòng địa phương cũng góp phần gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai nghiệp vụ bảo hiểm.
Con tàu là cả một sản nghiệp của ngư dân, việc mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên là hết sức cần thiết, khi có tai nạn xảy ra, ngư dân được bảo hiểm chi trả không bị mất vốn lớn. Vì vậy, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Phú Yên cần phối hợp với ngành thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các đoàn thể, UBND xã, phường ven biển tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về bảo hiểm. Điều này giúp bà con ngư dân từng bước nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm tàu cá; đồng thời in ấn các tài liệu, tờ rơi trích một số nội dung chính về điều khoản và quyền lợi bảo hiểm… để trang bị cho các tàu cá hoạt động trên biển.
VIỆT AN