Thứ Năm, 03/10/2024 13:31 CH
Thêm một đề xuất để nghề nuôi tôm trên đầm Ô Loan phát triển bền vững
Thứ Năm, 22/09/2011 10:40 SA

Nghề nuôi tôm trên đầm Ô Loan (huyện Tuy An) đã phát triển khá nhanh và chủ yếu là tự phát. Người dân các xã An Cư, An Hòa, An Hiệp, An Hải, An Ninh Đông… tự khoanh nuôi trên các hồ ven đầm. Việc quản lý dịch bệnh và kỹ thuật nuôi chưa được chú trọng đúng mức nên năng suất bấp bênh. Có năm người nuôi phấn khởi được mùa, nhưng có vụ phải trắng tay.

 

ks-nhi110922.jpg

Kỹ sư Nguyễn Văn Nhì. - Ảnh: D.T.X

Trao đổi với Báo Phú Yên, kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Nhì đang công tác tại Trạm Thú y huyện Tuy An (thuộc Chi cục Thú y Phú Yên) cho biết ông vừa đề xuất lên các ngành chức năng một biện pháp nhằm giúp người dân đầm Ô Loan phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững. Quan điểm của ông chủ yếu xoay quanh vấn đề bảo vệ môi trường, giữ cho nguồn nước đầm luôn trong sạch, không bị ô nhiễm, nhưng để thực hiện được đòi hỏi cả cộng đồng cùng quan tâm vì lợi ích chung và sự đầu tư của nhà nước cũng nhiều hơn.

 

Nguồn nước bị nhiễm bẩn nghiêm trọng

 

Qua nhiều năm được giao nhiệm vụ theo dõi để đề xuất phương án phòng bệnh cho tôm nuôi ở huyện Tuy An, kỹ sư Nhì đã tiếp xúc với nhiều người dân ven đầm Ô Loan và ông được họ cho biết lớp bùn dưới đáy đầm ngày càng dày hơn. Lớp bùn ấy chính là những chất thải lắng đọng trong các hồ nuôi tôm được người nuôi “xử lý” bằng cách nạo vét rồi đổ ra đầm.

 

Ông tính toán: quanh đầm Ô Loan hiện có 340 ha mặt nước hồ nuôi tôm, mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch khoảng 10 tấn tôm thịt/1ha. Năm được mùa ổn định ngư dân toàn khu vực có thể thu được 6.800 tấn tôm thịt. Để có 1 tấn tôm thịt phải tiêu tốn bình quân 1-1,2 tấn thức ăn. Chỉ cần 10% số thức ăn thừa, phân tôm, xác bả hữu cơ … lắng đọng lại trong “hồ nhỏ” rồi được “cải tạo”, đổ ra “hồ lớn- đầm” thì mỗi năm đầm Ô Loan phải hứng chịu khoảng 680 tấn chất thải hữu cơ. Gặp năm thời tiết nắng nóng như trung tuần tháng 5/2010, chất thải hữu cơ trong đầm phân hủy mạnh, thải ra nhiều khí độc như NH3, H2S…làm giảm lượng Ôxy hoà tan trong nước dẫn đến hiện tượng cá, tôm , cua …trong đầm nổi lên chết hàng loạt.

 

Tại thời điểm đó Trung tâm giống và kỹ thuật Thủy sản Phú Yên cũng đo được các chỉ số vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Gặp năm có lũ lớn, nước từ thượng nguồn sông Kỳ Lộ đổ về sẽ đẩy lớp chất thải lắng đọng này ra biển, nguồn nước trong đầm có thể “sạch” hơn, nhưng vô hình trung từ nguồn ô nhiễm nhỏ trong đầm này lại chuyển sang ô nhiễm lớn hơn là đại dương. Trong vòng quay giữa các vụ nuôi, nước đã nuôi tôm có nhiều chất thải của vụ trước (không tránh khỏi chứa các mầm dịch bệnh) được đổ ra đầm rồi một thời gian sau lại được bơm vào để nuôi tiếp vụ khác, bởi lẽ người nuôi tôm không còn cách lựa chọn nào khác.

 

Nên qui hoạch các bãi chứa chất thải

 

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Nhì, giải pháp căn cơ để đầm Ô Loan giảm tối đa việc ô nhiễm, giúp nghề nuôi tôm có cơ hội phát triển bền vững là tất cả mùn bã hữu cơ khi cải tạo ao hồ phải được đưa lên bờ, không được đổ trở lại vào nguồn nước đầm. Ông đề xuất một số giải pháp, và một trong các giải pháp là nên xây dựng bờ đê chạy dọc theo khu vực nuôi tôm ở các xã An Hòa, An Hiệp, An Cư… Bên trong bờ đê này qui hoạch những bãi đổ tập trung chất thải được vét lên từ các hồ nuôi tôm, không cho nước bẩn chảy ngược trở lại trong đầm.

 

dam-o-loan.jpg

Nhiều khu vực ven đầm Ô Loan nước bị nổi váng dày đặc do nguồn nước bị nhiễm bẩn. - Ảnh: D.T.X

Ở một số vùng có đất sản xuất nông nghiệp cần có thêm đê bao chống xâm nhập mặn, thậm chí một số diện tích đã bị nhiễm mặn, không sản xuất được hoặc năng suất bấp bênh cần mạnh dạn  qui hoạch lại, lấy ruộng % hoán đổi hoặc thỏa thuận đền bù cho nông dân, lấy đất này làm các bãi chứa các chất thải.

 

Kỹ sư Nhì cho rằng, trước mắt có sự đầu tư lớn, tốn kém, nhưng sau đó lại được lợi nhiều hơn. Các chất hữu cơ vét từ lòng hồ lên phơi tập trung ở các bãi chứa gặp nắng sẽ được phân hủy, sau khi gặp mưa sẽ tiếp tục được rửa mặn, sau đó sẽ trở thành nguồn phân bón lớn cho cây trồng. Và cái lợi lớn hơn cả là môi trường đầm Ô Loan được bảo vệ, cả cộng đồng cùng hưởng lợi, nghề nuôi tôm ở đây có cơ hội phát triển bền vững.

 

DƯƠNG THANH XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek