³Tình trạng khai thác cát theo giấy phép trên địa bàn toàn tỉnh đang diễn ra phức tạp. Tần suất vận chuyển, quy mô khai thác vượt quá công suất cho phép, gây tác động xấu đến môi trường, dòng chảy, thất thoát tài nguyên, khiến người dân bức xúc.
Đáp ứng nhu cầu cát phục vụ các công trình xây dựng, dân sinh, đến thời điểm này UBND tỉnh đã cấp phép cho 15 công ty, HTX (chủ yếu trong năm 2011). Mỗi giấy phép được khai thác 10.000m3, công suất bình quân 350m3/tháng. Riêng mỏ cát tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa), xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) do Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên khai thác trên diện tích gần 32ha có trữ lượng gần 930.000m3, công suất được phép khai thác 54.000m3/năm.
Việc cấp phép khai thác cát nhưng không thường xuyên kiểm tra, đánh giá sản lượng khai thác theo quy định, đã dẫn đến tình trạng lợi dụng pháp luật khai thác ồ ạt, vô tội vạ, gây bất bình trong nhân dân. Tại các mỏ cát có giấp phép khai thác trên dưới 10.000m3, việc khai thác hầu hết đều vượt quá mức cho phép. Điều này có thể nhận thấy, với công suất khoảng 350m³/tháng, tương đương mức vận chuyển 40 xe trung tải (bình quân hơn 1 xe/ngày). Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp lại khai thác hàng chục xe mỗi ngày mà không ai kiểm soát. Một cán bộ ngành TN-MT cho hay, phần lớn các giấy phép khai thác là phục vụ nhu cầu dân sinh, các doanh nghiệp chỉ xin cấp phép khai thác sản lượng rất nhỏ để giảm chi khoản thuế tài nguyên.
Theo ý kiến chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 30/8/2011, việc thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước tạm dừng, để đánh giá thực trạng trong việc cấp phép, thăm dò, khai thác các loại khoáng sản, kịp thời chấn chỉnh, tăng cường quản lý, trong đó có khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Theo đó, kể từ ngày 9/9/2011, Sở TN-MT Phú Yên tạm thời không tiếp nhận hồ sơ xin thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.
Ở huyện Tây Hòa, mỏ cát thôn Phước Thịnh (xã Hòa Bình 2), Phước Thành (xã Hòa Phong) được cấp phép khai thác từ tháng 2-9/2011, công suất 350m3/tháng. Theo quan sát của chúng tôi, cứ 15 phút lại có một chuyến xe trung tải vận chuyển cát từ lòng sông về nơi tập kết ở khu dân cư. Một người dân ở thôn Phước Thành cho biết, thực trạng này diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm, thậm chí đến 2g sáng. Xe, cộ vận chuyển cát ầm ầm gây mất trật tự, phá hỏng đường bê tông nông thôn. Vào mùa thu hoạch lúa, bà con phải cấm xe qua lại để phơi lúa, nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế để giữ đường, chứ thực tế doanh nghiệp cho xe vận chuyển qua đường khác, hoặc tập kết ở địa điểm gần khu dân cư rồi xuất bán đi các nơi. Tại đây doanh nghiệp mở con đường rộng hơn 7m, dài khoảng 1 km, đâm thẳng ra giữa dòng, để thuận lợi cho khai thác. Dư luận đặt câu hỏi, nếu chỉ để khai thác khoảng 20m3/ngày theo giấy phép mà phải đầu tư phương tiện, đắp đường khá kiên cố và nhiều khoản chi phí khác, liệu có doanh nghiệp nào dám làm?
Tại hiện trường 2 điểm khai thác trên, lòng sông bị cày xới, chia ngang, cắt dọc, như những đìa nuôi tôm. Gần bờ, hàng chục xe, cộ bò thi nhau “rỉa” cát vận chuyển vào khu dân cư tập kết, sau đó đưa lên xe tải. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là “sáng kiến” tận dụng “sức dân” của một doanh nghiệp đã bị cấm khai thác. Người dân sống tại khu vực này lo ngại, với tình trạng này, khi mưa lũ tới thì hậu quả không biết sẽ ra sao. Họ đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng chẳng thấy xử lý gì.
Huyện Tây Hòa hiện có 3 điểm khai thác cát được cấp phép. Do khai thác vượt quá số lượng và công suất quy định, các điểm này đã gây tác động đến dòng chảy, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư. Ngày 6/9/2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Hòa đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương, cấm hoạt động khai thác tại thôn Phước Thành vì khai thác quá mức, chờ qua mùa mưa lũ năm 2011 sẽ xem xét. Còn ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cũng cho biết, địa phương sẽ kiểm tra lại toàn bộ các điểm khai thác cát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ xử phạt, đề nghị rút giấy phép theo quy định của pháp luật.
PHƯƠNG NAM