Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, một số ngân hàng đã thực hiện việc hạ lãi suất cho vay.
Ảnh minh họa: internet
Triển khai chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ 6/9/2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1,5% - 2,0%/năm so với mức lãi suất phổ biển trên thị trường.
Mức cụ thể là cho vay ngắn hạn không quá 18,0%/năm (<18%năm), cho vay trung dài hạn không quá 19,0%/năm (<19%năm).
Ngoài ra, BIDV dành 10.000 tỉ đồng cho vay các khách hàng hoạt động các lĩnh vực thu mua nông thuỷ sản xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng dịch vụ khép kín tại BIDV với lãi suất ưu đãi từ 15,0% - 17,5%năm. Về lãi suất cho vay ngoại tệ, nhằm kiểm soát tăng trưởng dư nợ ngoại tệ, BIDV đã chỉ đạo các chi nhánh tuân thủ chặt chẽ quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay ngoại tệ tại Quyết định 7/QĐ-NHNN, BIDV tiếp tục giữ mức lãi suất cho vay ngoại tệ ở mức cao, khoảng 6,0% - 7,0%/năm.
Từ ngày 5/9, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai chương trình "Tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" với lãi suất 17-18%/năm, kỳ hạn cho vay tối đa 6 tháng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) dự kiến dành hơn 1.000 tỉ đồng để tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất ưu đãi 18,5-19%/năm.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, tổng dư nợ mà ABBank dành để cho vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn, tài trợ dự án trung dài hạn đối với doanh nghiệp, cho vay sản xuất kinh doanh trả góp đối với khách hàng cá nhân là 2.000 tỉ đồng.
Trước đó, các ngân hàng như Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đã có những chương trình giảm lãi suất. Ví dụ: Eximbank với chương trình tài trợ lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng 17%/năm được dành bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu với thời hạn tối đa 3 tháng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể lựa chọn chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất ngoại tệ” ở mức 7%/năm cho mục đích bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu, trong tối đa 6 tháng. Đổi lại việc tiếp cận nguồn vốn tiền đồng giá rẻ này, các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán lại ngoại tệ cho Eximbank khi có nguồn thu.
Ngân hàng ACB đang thực hiện chương trình giảm 1,2%/năm lãi suất cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (khu vực TP.HCM, Hà Nội), từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh/thành phố khác.
Theo chinhphu.vn