Qua hơn 10 năm gắn bó với Phú Yên, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP VIL) chẳng những sản xuất kinh doanh có hiệu quả, còn là doanh nghiệp có những đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Đây là doanh nghiệp FDI tiêu biểu nhất của tỉnh.
Nhà máy đường Sơn Hòa của KCP VIL được nâng cấp lên 5.000 tấn/ngày, bảo đảm tiêu thụ kịp thời mía nguyên liệu tại địa phương. - Ảnh: N.T
HIỆU QUẢ TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH
Sản xuất kinh doanh mía đường là lĩnh vực chịu nhiều áp lực cạnh tranh khi nước ta gia nhập WTO, song điều đó không ảnh hưởng đến việc Công ty KCP VIL tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Sau khi nâng cấp Nhà máy đường Sơn Hòa từ 2.500 tấn/ngày lên 5.000 tấn/ngày đưa vào vận hành niên vụ 2008 - 2009, công ty đã mua lại Nhà máy đường Đồng Xuân 100 tấn, mở rộng nâng cấp lên 1.000 tấn/ngày với vốn đầu tư 120 tỉ đồng đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 10 năm đầu tư tại Phú Yên (2001 - 2010). Năm nay công ty tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh 15.000 tấn/năm và sản xuất mía giống tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa).
Từ bài học thiếu nguyên liệu ở Thừa Thiên Huế, Công ty KCP VIL càng thấy tầm quan trọng của vùng nguyên liệu đối với sự sống còn của nhà máy. Từ đó, công ty đề ra chính sách đầu tư vùng nguyên liệu mía trên cơ sở gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích người trồng mía. Với vùng nguyên liệu 13.000ha được UBND tỉnh giao, công ty cung cấp giống mới, phân bón, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tăng lợi nhuận cho người trồng mía. Tính ra đến nay KCP VIL đã đầu tư cho nông dân 513 tỉ đồng; mua mía của nông dân với giá trị hơn 3.053,5 tỉ đồng. Hoạt động của KCP VIL tại Phú Yên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại 41 xã miền núi với 8.000 hộ nông dân có thu nhập chính từ cây mía và 500 lao động làm dịch vụ thu hoạch vận chuyển mía. Đó là chưa kể tạo việc làm ổn định cho hơn 550 lao động tại các nhà máy với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, Cao Minh Hòa cho biết: “Từ khi có Nhà máy đường KCP, nhân dân Sơn Hòa không còn nỗi lo tìm “đầu ra” cho cây mía nữa mà càng yên tâm đầu tư thâm canh để tăng lợi nhuận. Hiện nay, diện tích mía của huyện đã lên trên 9.000ha, mía trở thành cây trồng chủ lực của huyện. Cây mía thật sự trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” của người dân địa phương”.
Sản phẩm đường tinh luyện cao cấp (RE) mang thương hiệu Varella được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và đã được tặng Huy chương vàng sản phẩm mới, công nghệ mới Việt Nam và còn được Bộ NN - PTNT và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹthuật Việt Nam tặng Cúp vàng “Sản phẩm an toàn và an sinh xã hội”. Với uy tín chất lượng sản phẩm đáp ứng những yêu cầu khắc khe của các khách hàng khó tính như Coca cola, Vinamilk... công ty đã tạo sự đột phá, vươn lên chiếm lĩnh 80% thị trường khách hàng công nghiệp chế biến trong nước và đang hướng đến thị trường xuất khẩu. KCP VIL vươn lên tốp đầu trong ngành công nghiệp mía đường Việt Nam về sản lượng, chất lượng, về uy tín và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh thu hằng năm của doanh nghiệp đã vượt qua con số 1.000 tỉ đồng, đóng góp ngân sách địa phương dẫn đầu khối doanh nghiệp FDI của tỉnh.
THỂ HIỆN VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
Có thể nói, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước ta là nét nổi bật thể hiện văn hóa của doanh nghiệp FDI này. Tại công ty, đã có tổ chức Công đoàn với gần 250 đoàn viên; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với hơn 100 đoàn viên và đặc biệt hơn, một chi bộ Đảng với 11 đảng viên là những lao động tại công ty đã được ra đời cuối năm vừa qua, là tổ chức đảng đầu tiên được thành lập tại một doanh nghiệp FDI của Phú Yên. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tạo mối quan hệ với chính quyền, KVP VIL còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương. Dịp kỷ niệm 10 năm đầu tư tại Phú Yên, công ty đã ủng hộ 2 tỉ đồng vào QuỹVì người nghèo của tỉnh và hỗ trợ 4 tỉ đồng cho 41 xã thuộc vùng nguyên liệu mía của công ty để xây dựng một số công trình phúc lợi ở địa phương. Kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, KCP đã tài trợ 2 tỉ đồng. Tính ra, trong hơn 10 năm qua, KVP VIL đóng góp cho phát triển nông thôn và ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương gần 20,65 tỉ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc, đánh giá rất cao vị thế của KCP VIL: “Nhiều dự án mới khác có thể lớn hơn gấp nhiều lần, nhưng những dự án như KCP sẽ vẫn luôn là đặc biệt đối với Phú Yên, bởi vì nhà máy liên quan trực tiếp đến hàng vạn người lao động ở nông thôn và miền núi Phú Yên”. Còn ông R. Subbaiah giãi bày: “Khi di chuyển nhà máy đường 2.500 tấn/ngày từ Thừa Thiên Huế vào huyện Sơn Hòa năm 2000, KCP VIL như một anh nông dân trắng tay bởi thua lỗ trước đó. KCP VIL có được như hôm nay là nhờ lãnh đạo tỉnh, huyện tạo nhiều thuận lợi cho nhà máy sản xuất, vận động bà con nông dân đồng cam cộng khổ phối hợp với nhà máy, chia sẻ khó khăn cùng vượt qua thử thách để cùng phát triển. Có thể nói, đây là sự thành công của tất cả chúng ta, của tinh thần hợp tác, tình hữu nghị, của thiện chí, nỗ lực và tuân thủ pháp luật”.
NGUYÊN TRƯỜNG