Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ có hiệu quả hơn khi chính bản thân các doanh nghiệp trong nước hiểu rõ được tiềm lực của thị trường trong nước. Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, việc phát huy tiềm lực của thị trường nội địa sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Người tiêu dùng Phú Yên chọn mua hàng tại một hội chợ Đưa hàng Việt về nông thôn - Ảnh: P.V
TIỀM LỰC THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có ba ưu thế lớn khi tiếp cận thị trường nội địa đó là: am hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt; có thể lựa chọn nhiều phương thức tổ chức thị trường phù hợp với khả năng và lợi thế của doanh nghiệp (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…); dễ dàng thiết lập mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối với nhau. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể hình thành kênh lưu thông ổn định, tạo ra sức mạnh thị trường.
Nước ta với dân số hơn 86 triệu người được coi là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Phát triển thị trường trong nước được Ðảng và Nhà nước ta xác định là một giải pháp chiến lược hướng vào mục tiêu phát triển bền vững có tác động nhiều mặt đến thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của toàn dân, nâng cao mức sống và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng đã tạo nên những động lực mới cho tiêu dùng nội địa. Các doanh nghiệp đã tiếp cận và nắm bắt nhu cầu thị trường trong từng vùng, từng nhóm dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa có khó khăn về giao thông và vận chuyển hàng hóa để sản xuất và kinh doanh, mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ nên tổng mức hàng hóa tăng lên. Ðây được coi như một tín hiệu rất tốt cho việc tiếp tục phát triển thị trường nội địa khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mấy năm trở lại đây, chủ trương phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa đã được triển khai khá rộng khắp trên cả nước với sự chỉ đạo và điều hành của nhiều bộ, ngành và các cấp, từ Trung ương tới địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nên đã tạo được những kết quả quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Theo các công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì sức mua của các tầng lớp dân cư liên tục tăng. Chính sức mua của nhân dân được kích thích nên đã thúc đẩy thị trường nội địa hoạt động tích cực và sôi nổi, hiệu quả cao hơn. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động lớn đối với người tiêu dùng trong nước, hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận đến người tiêu dùng. Các chương trình khuyến mại, giảm giá của các nhà phân phối, các đợt đưa hàng về nông thôn, về các khu công nghiệp, các đợt tổ chức các điểm bán hàng, ổn định giá... cũng được mở rộng; Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Mạng lưới chợ và các loại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển, đặc biệt, thị trường miền núi và hải đảo được đảm bảo cung cấp đủ các mặt hàng chính sách thiết yếu...
MỘT SỐ GIẢI PHÁP KÍCH THÍCH TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA
Thực tế cho thấy khả năng tiêu dùng sản phẩm hàng hóa ở thị trường trong nước của các tầng lớp dân cư, nhất là cư dân ở nông thôn nước ta hiện còn thấp. Nguyên nhân thì nhiều nhưng có thể thấy rõ là do kinh tế của nước ta còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới ở ngưỡng 1.000 USD, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, nhu cầu mua sắm hàng hóa có khả năng thanh toán hằng năm không lớn. Ðồng thời, đa số dân cư có tâm lý “tích của” còn nặng, quỹ tiết kiệm trong dân chưa được khai thác phục vụ cho tiêu dùng vì công việc làm ăn chưa ổn định, nhiều rủi ro trong cuộc sống của nhân dân thường diễn ra do thiên tai, do nhân họa khó lường... Ðó quả là những cản trở to lớn hạn chế khả năng sản xuất hàng hóa, phát triển các dịch vụ tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ tối thiểu khác. Một bộ phận không nhỏ cư dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa thuộc diện phải xóa đói, giảm nghèo có thu nhập cực thấp lại đang thiếu những nhu yếu phẩm thiết yếu trong khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước lại dư thừa đang là nghịch lý cần phải xử lý. Nếu xử lý các mâu thuẫn này thì có thể khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường nội địa.
Để kích thích tiêu dùng hàng nội địa, thiết nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội nên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh. Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường người tiêu dùng trong nước, sản xuất trong nước không trái với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu. Ðối với việc phát triển thị trường trong nước và kích thích tiêu dùng nội địa thì các chính sách của Nhà nước phải phù hợp với thực tế phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của người dân, các chính sách đó phải tạo ra được môi trường thuận lợi và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường trong nước và bảo đảm lòng tin của người tiêu dùng đối với các hàng hóa tiêu thụ.
Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ về thị trường nội địa cũng cần tạo được môi trường kinh doanh dịch vụ bán buôn, bán lẻ đều được phát triển để mọi thành phần kinh tế, mọi chủ thể kinh tế trong hệ thống ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ đều phát triển, có vị trí cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các hoạt động của các hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề chuyên môn hóa theo từng chủng loại mặt hàng, sản phẩm. Hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống thương mại điện tử, mua bán hàng hóa qua in-tơ-nét, điện thoại..., xây dựng các website giới thiệu hình ảnh các công ty, lĩnh vực kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng, ký kết hợp đồng, các sàn giao dịch điện tử, thu hút khách hàng...
Có thể khẳng định, với thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam ít bị phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới. Thị trường nội địa sẽ là nơi để doanh nghiệp “tập dượt” trong cạnh tranh, là điểm tựa để vươn ra thị trường thế giới. Vì muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, trước hết phải cạnh tranh được trên thị trường nội địa.
(ĐCSVN)