Thời gian qua, trên các cánh đồng mía ở Phú Yên xuất hiện một loại sâu hại mới, phát triển nhanh, gây vàng lá tại huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Đây là đối tượng sâu hại mới, chưa từng gặp nên khó khăn trong công tác phòng trừ.
Nông dân huyện Đồng Xuân thu hoạch mía niên vụ 2010-2011 - Ảnh: H.NAM
Niên vụ mía 2010-2011, hàng trăm héc ta mía ở các xã Suối Bạc, Sơn Nguyên, Sơn Long, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) và một số xã của huyện Sông Hinh bị vàng lá. Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành thu thập mẫu gửi Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để định danh côn trùng, đồng thời lấy mẫu nghiên cứu tại chi cục. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành điều tra đánh giá mức độ gây hại của chúng, đồng thời thu thập mẫu sâu hại để theo dõi sự phát triển tại phòng thí nghiệm và gởi định danh côn trùng tại Viện Bảo vệ thực vật. Căn cứ vào các pha (giai đoạn) phát dục của sâu hại tại phòng thí nghiệm và kết quả định danh của giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Lầm, Viện Bảo vệ thực vật, thì loại sâu đang gây hại trên cây mía ở Phú Yên là bọ phấn trắng (Aleurolobus barodensis Maskell) thuộc bộ cánh nửa: Hemiptera, họ rệp phấn: Alyrodidae, giống: Aleurolobus và loài: Barodensis. Tên tiếng Anh là Sugarcane Whitefly”.
Theo nhận định chung của ngành chức năng, bọ phấn trắng có khả năng lây lan đến các vùng trồng mía khác trong tỉnh. Khi bị bọ phấn trắng gây hại nặng, cây mía sinh trưởng còi cọc, làm giảm hàm lượng đường và có thể làm giảm năng suất mía lên đến 65%. Giống mía có lá to và dài thường bị hại nặng hơn. Bọ phấn trắng gây hại chủ yếu trên lá mía, tập trung mặt dưới của lá. Ông Nguyễn Hòa, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Sơn Hòa, cho biết: “Bọ phấn trắng gây hại nhiều trên những ruộng mía lưu gốc năm thứ 2 và 3, đặc biệt là trong khu vực ngập nước. Có thể nói đây là một dịch hại đặc biệt nghiêm trọng cho cây mía gốc, nhưng nó cũng tấn công các cây trồng khác trong vùng thấp trũng và đọng nước”.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên tiến hành tập huấn cho hàng trăm nông dân trồng mía tại các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân và Tuy An. Nội dung tập huấn gồm: kỹ thuật trồng và chăm sóc mía, kỹ thuật bón phân cho mía cao sản, kỹ thuật trừ cỏ trên ruộng mía, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại mía. Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, để phòng trừ bọ phấn trắng hiệu quả, bà con nông dân chú trọng biện pháp canh tác trồng mía ở mật độ thích hợp, tránh điều kiện cho bọ phấn trắng phát sinh; tránh để mía lưu gốc ở những vùng đã bị nhiễm bọ phấn trắng; bóc hay cắt lá bị hại, đem chôn hoặc đốt để tiêu diệt nguồn gây hại. Nông dân cần thực hiện quy trình bóc lá làm thông thoáng ruộng mía góp phần hạn chế sự phát triển của bọ phấn trắng; hạn chế sử dụng các giống mía có bản lá to và dài như R570 và R579; không để ruộng mía bị úng nước, thoát nước khi trời có mưa to; bón phân cân đối, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ông Trương Tính, một nông dân ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) tham gia lớp tập huấn cho biết: trước đây ruộng mía nhà ông bị bệnh vàng lá phun thuốc không khỏi, mía còi cọc. Không chỉ ruộng mía nhà ông mà nhiều diện tích mía lân cận đều bị “dính” loại bệnh này, năm ấy thu hoạch năng suất giảm nhiều người thất thu. Được tham gia lớp tập huấn, ông Tính mới biết vì sao như vậy và giờ thì đã thành thạo cách phòng trừ.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc kiểm soát bọ phấn trắng mía bằng thuốc hóa học là khó khăn và phức tạp vì chúng có lớp sáp bảo vệ nên nhanh chóng kháng thuốc trừ sâu. Ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên nói: “Vừa qua, bọ phấn trắng đã phát sinh gây hại nặng trên nhiều vùng mía trong tỉnh. Loài bọ phấn này xuất hiện liên quan đến chế độ canh tác của nông dân. Do đó việc tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác và phòng trừ bọ phấn trắng hại mía là hết sức cần thiết”.
MẠNH HOÀI NAM