Thời gian qua, hoạt động kinh tế tập thể ở Phú Yên không ngừng đi lên, góp phần củng cố, phát triển bền vững các HTX, mở rộng hoạt động kinh doanh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống xã viên và người lao động.
Xã viên HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) mua phân bón từ dịch vụ của HTX - Ảnh: H.HOÀNG
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 203 HTX. Nếu dựa trên các tiêu chí như: khả năng hoàn thành kế hoạch, mức độ đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và đảm bảo đời sống xã viên, mức độ an sinh xã hội…, toàn tỉnh còn khoảng 20 HTX yếu kém, chiếm tỉ lệ 8,4%. Trong số đó, nhiều HTX đã tạm ngừng hoạt động do thua lỗ triền miên hoặc tồn tại trên danh nghĩa, số còn lại hoạt động cầm chừng do không xác định được phương án sản xuất, kinh doanh dài hạn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều HTX khi chuyển đổi vẫn còn mang tính hình thức, không tuân thủ đúng nguyên tắc quy định trong Luật HTX. Hầu hết số HTX này chỉ làm dịch vụ nông hộ, do đó không huy động được vốn góp của xã viên cũng như thiếu phương án xử lý dứt điểm các loại nợ HTX. Đội ngũ cán bộ yếu về chuyên môn, năng lực quản lý nhưng lại ngại tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kinh tế, pháp luật… nên không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, không có nguồn vốn đầu tư tài sản, thiết bị phục vụ sản xuất. Tại nhiều HTX, chính quyền địa phương hoặc can thiệp quá sâu hoặc thả nổi dẫn đến ban quản trị không thể chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Để kiện toàn, củng cố HTX yếu kém, cần chấn chỉnh, đổi mới về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, đội ngũ cán bộ, phương thức hoạt động và phân phối của HTX tùy theo tình hình thực tế của địa phương. Việc củng cố bộ máy quản lý dựa trên việc lựa chọn cán bộ có trình độ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, trong đó ưu tiên những người còn trẻ đã đào tạo, có năng lực chuyên môn đáp ứng thực tiễn. Việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh thông qua đại hội xã viên theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai minh bạch; tiếp đó xác định số lượng loại hình kinh doanh, dịch vụ nhằm tìm giải pháp phát triển dịch vụ kinh doanh hiệu quả, loại bỏ những loại hình dịch vụ kém hiệu quả gắn với việc củng cố mối liên hệ với xã viên cũng như yêu cầu xã viên phải góp vốn theo quy định điều lệ. Theo đó, đối với những HTX có diện tích canh tác dưới 30ha, chủ yếu sản xuất lúa, không có dịch vụ nào khác, vốn kinh doanh dưới 100 triệu đồng, số lượng dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ xã viên thấp, không đảm bảo nguồn thu sẽ chuyển sang loại hình tổ hợp tác hoặc hợp nhất 2, 3 HTX có quy mô nhỏ thành một HTX; đồng thời đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế nhằm huy động các nguồn lực để phát triển.
Về phía các sở, ngành, cần thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử, tạo cơ hội bình đẳng cho HTX cũng như các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận các nguồn vốn, tài nguyên, nhân lực, thông tin; các sở, ngành liên quan hướng dẫn các HTX đăng ký và thực hiện luật thuế, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất; tạo điều kiện để HTX được vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh; hướng dẫn HTX trong việc thuê đất sản xuất, xây trụ sở, nhà xưởng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghiên cứu giải pháp hỗ trợ HTX tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, cần phải tiếp tục nâng cao vai trò Liên minh HTX tỉnh trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin tăng cường công tác tuyên truyền về thu hồi nợ đọng, về kiểm tra, kiểm soát HTX. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tham mưu chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể nhằm phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn hỗ trợ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo nghề cho xã viên, người lao động trong HTX. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn để HTX hoạt động đúng luật và điều lệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các HTX.
PHƯỚC BẢO
(Liên minh HTX tỉnh Phú Yên)