Chỉ với 8 triệu đồng vay mượn để phát đá, điêu khắc mỹ nghệ, nhưng bằng sức trẻ và ý chí thoát nghèo của mình, sau tám năm, chàng trai Lê Tấn An (SN 1986) trở thành ông chủ với thu nhập hằng năm lên đến hàng tỉ đồng.
Lê Tấn An đang hoàn thành tượng Phật - Ảnh: H.MY |
PHÁT ÐÁ, PHÁ KHÓ KHĂN
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, ngay từ nhỏ, Lê Tấn An đã nung nấu ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì gia đình khó khăn nên mới 16 tuổi, An đã bon ba vào TP Hồ Chí Minh học nghề. Hai năm sau, An về quê mở xưởng điêu khắc đá mỹ nghệ tại Gành Đỏ (TX Sông Cầu), lấy tên xưởng là Tấn An với số vốn vay mượn và tích cóp chỉ… 8 triệu đồng. Xưởng là một mảnh đất thuê, cất một cái chòi tạm, xung quanh toàn là đá trắng, đá granit được chuyển vào từ xứ Nghệ. Ban ngày, ngâm mình giữa nắng phát đá, đẽo hình tượng, chiều đến, An tự mua đồ về nấu ăn. An nhớ lại: “Lúc đó, tôi chưa nghĩ đến kinh tế và lợi nhuận, làm chủ yếu vì sự đam mê. Điêu khắc và bán được tượng nào thì hưởng cái đó, chứ chưa nghĩ đến đầu ra”. Một vài người khách ở Vũng La (TX Sông Cầu), thấy tượng An làm khá đẹp và công phu, liền ngã giá mua và đặt thêm vài mẫu mới. Số tiền đầu tiên mà An kiếm được bằng sự đam mê, tỉ mẩn và tài năng của mình là 14 triệu đồng từ hai bức tượng điêu khắc Quan Thế Âm.
Tượng An điêu khắc được ngày một nhiều, nhưng phần lớn chỉ để trưng bày, chưa tìm được thị trường tiêu thụ. “Không phải chỉ làm theo những điều mình thích, mà phải làm cả những gì khách hàng đang yêu chuộng”. Suy nghĩ như vậy nên An quyết tâm tạo thêm nhiều mẫu mã mới. Ngoài các tượng thiên về tín ngưỡng như Quan Thế Âm, Phật Di Lặc, Chúa Jesu…, An còn tạc các tượng về những vị lãnh tụ, các danh nhân như: Bác Hồ, vua Trần Nhân Tông... Sau đó, để thuận tiện cho giao dịch hàng, anh chuyển xưởng chế tác về tại trạm cân (xã An Phú, TP Tuy Hòa).
Bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp của An là vào năm 2005. Năm đó, anh nhận được công trình điêu khắc quy mô tại chùa Hoa Nghiêm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Không ngại khó khổ, An tuyển thêm 2 thợ chẻ đá cùng mình ròng rã gần một năm trụ lại trên núi để phát đá và điêu khắc tượng Phật. Công trình hoàn thành sớm, nhiều khách hàng ngoài tỉnh hài lòng, tin tưởng đặt hàng thêm cho anh. Với niềm đam mê cùng tính cần mẫn, chàng trai xứ núi sớm trở thành một anh thợ có tay nghề cao.
CƠ NGƠI VỮNG VÀNG
Gặp An lần đầu, khó mà tin chàng trai có nước da ngăm đen, khuôn mặt còn non này lại là chủ của hai xưởng mỹ nghệ quy mô mang tên Tấn An. Nhiều khách hàng tìm đến xưởng, thấy anh mà cứ tưởng là thợ học nghề.
Hiện nay, ngoài điêu khắc đá như một niềm đam mê, hàng ngày An còn hướng dẫn cho 10 thợ học nghề, quản lý hoạt động hai xưởng mỹ nghệ tại hai thôn Liên Trì và Phú Vang (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) và một bãi khai thác đá ở mỏ đá Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa). Các mặt hàng đá mỹ nghệ trong xưởng của An rất đa dạng, từ các vật dụng trang trí được làm từ đá trắng, đá granit… đến các loại đồ trang sức được làm từ đá ngọc, đá mã não, đá bán quý (nhập khẩu từ
Trở thành ông chủ với cơ ngơi lớn nhưng An vẫn không quên những vấp ngã lúc đầu. “Thương trường luôn khó khăn nhưng nếu không nản chí trước thất bại thì chúng ta sẽ thành công”, An chia sẻ.
HÀ KIỀU MY