Hoạt động của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (TTKC-XTTM) thuộc Sở Công Thương Phú Yên trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp trong tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, tìm hướng ra cho sản phẩm và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.
Công nhân may tại Xí nghiệp may An Thịnh, thuộc Công ty cổ phần An Hưng (phải) hướng dẫn cho lao động mới vào làm việc - Ảnh: A.BANG |
Theo Sở Công Thương Phú Yên, các doanh nghiệp trong tỉnh thường gặp phải một số vấn đề về lao động, nguồn nguyên liệu và hướng ra cho sản phẩm. Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi sản phẩm có chất lượng thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường. Những khó khăn nêu trên làm cho doanh nghiệp không thể giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Yêu cầu tìm ra giải pháp giúp các doanh nghiệp “gỡ khó” các vấn đề này được xem là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Công Thương và các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thời gian qua, TTKC-XTTM tỉnh đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, như đào tạo nghề cho lao động, tìm giải pháp nâng cao năng suất, xâm nhập thị trường mới. Cụ thể, năm 2010, trung tâm triển khai thực hiện 10 đề án khuyến công với kinh phí trên 1,7 tỉ đồng, gồm các mô hình sản xuất như: cửa nhựa uPVC lõi thép, chế biến thủy sản, phân hữu cơ vi sinh, gạch Tuynel, gạch không nung; đào tạo nghề may công nghiệp cho các doanh nghiệp và địa phương; đào tạo nghề đan mây, tre, lá xuất khẩu cho lao động nông thôn; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ Thương mại Phú Yên 2010... Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ tư vấn và quản trị doanh nghiệp cho cán bộ quản lý tại các địa phương, cán bộ quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2011, TTKC-XTTM tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.000 lao động, thời gian đào tạo 3 tháng, với kinh phí 900 triệu đồng; đào tạo nghề chế biến thủy sản, thời gian đào tạo 2 tháng, với kinh phí 300 triệu đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế miền Trung - Tây Nguyên sẽ diễn ra vào tháng 9/2011.
Nhờ nỗ lực thực hiện, đến nay ngành Công Thương Phú Yên đã bước đầu giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tuyển dụng người lao động, tạo ra một lực lượng lao động “nguồn”. Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết: “Lao động là điều kiện sống còn của doanh nghiệp. Sản phẩm có chất lượng phụ thuộc nhiều vào ý thức, tính chuyên nghiệp, chuyên môn của người lao động trong quá trình sản xuất. Do vậy, việc hỗ trợ đào tạo nghề của TTKC-XTTM tỉnh đã giúp doanh nghiệp có được nguồn lao động vững tay nghề trong quá trình mở rộng sản xuất”. Tương tự, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Phú Yên cho biết: “Lực lượng lao động được đào tạo, có tay nghề sẽ giúp cho doanh nghiêp hoạt động ổn định lâu dài, làm ra sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng”.
Theo Sở Công Thương, hiện nay, các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc và nhất là Nhật Bản, hàng xuất khẩu của tỉnh đang dần chiếm lĩnh thị phần và khẳng định được ưu thế. Các mặt hàng về may mặc và thủy sản chế biến của các doanh nghiệp Phú Yên được người tiêu dùng quan tâm. Đây cũng là hai lĩnh vực sản xuất giải quyết số lao động lớn của địa phương.
Theo Sở Công Thương Phú Yên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kim ngạch 83,8 triệu USD, đạt 57,8% kế hoạch cả năm 2011, tăng 48,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt gần 21,5 triệu USD, tăng 2,5 lần; hàng dệt may đạt 6,3 triệu USD, tăng 77,1%... Đây là mức tăng cao so với những năm vừa qua của Phú Yên.
AN NGUYÊN