Với quyết tâm làm giàu, gia đình ông Ngô Minh Thắng ở thôn Phước Bình
Ông Ngô Minh Thắng trong trang trại gà của gia đình - Ảnh: N.QUỲNH
KHÓ KHĂN NHƯNG KHÔNG NẢN CHÍ
Đến bây giờ, ông Ngô Minh Thắng vẫn còn nhớ đợt dịch cúm gia cầm năm 2005 làm trang trại của gia đình ông mất trắng 1.000 con vịt, 200 con gà. Tiền mượn của người thân, vay ngân hàng với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng trở thành gánh nặng đối với một gia đình làm nông. Thế nhưng, ông Thắng không nãn chí, vẫn quyết tâm làm lại từ đầu. Ông tiếp tục vận động anh chị em trong gia đình giúp đỡ để gầy lại đàn vịt. Nhưng dịch cúm gia cầm lại xảy ra liên tiếp, ông lại tiếp tục thua lỗ. Ông Thắng kể: “Có những lúc bế tắc, tôi cũng muốn từ giã nghiệp chăn nuôi. Thế nhưng, bằng quyết tâm, tôi quyết “thua keo này ta bày keo khác”. Với những gì đã trải qua, tôi tin tưởng mình sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để thành công”.
Với quyết tâm ấy, ông cùng vợ là bà Đặng Thị Huê tiếp tục gầy dựng lại đàn gà, vịt. Lần này, vợ chồng ông còn nuôi thêm heo thịt, sau đó chọn những con tốt để nuôi thành heo nái. Trên diện tích 400m2 vườn nhà, vợ chồng ông Thắng nuôi 1.000 con vịt, 500 con gà đẻ, 200 con vịt xiêm, 4 con heo nái. Ngoài ra, ông bà còn trồng nhiều loại cây ăn quả như ổi, xoài, cam cùng một số loại rau quanh vườn nhà để hái bán kiếm thêm thu nhập.
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Theo ông Ngô Minh Thắng, để có được đàn gia cầm, gia súc khỏe mạnh, đạt hiệu quả kinh tế cao, yếu tố quan trọng nhất là phải giữ cho môi trường chăn nuôi luôn sạch sẽ. Điều này sẽ giúp hạn chế được nguy cơ gây bệnh cho gia súc gia cầm. Chuồng trại phải cao ráo, thường xuyên được quét dọn sạch sẽ, không để phân tồn đọng. Mùa hè nên có quạt gió bật thường xuyên để giảm nhiệt độ trong chuồng. Trồng cây xanh tại nơi nuôi gà, vịt cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tạo khoảng không gian thoáng mát. Mùa mưa cần bật điện để tăng nhiệt độ. Mặt khác, chuồng trại cần được phun thuốc khử trùng 4 tháng/lần để diệt khuẩn.
Ngoài yếu tố môi trường, đàn gia súc, gia cầm của ông Thắng thường xuyên được tiêm các loại thuốc, vắc xin phòng ngừa bệnh tả, tụ huyết trùng… Nhờ vậy, đàn gà, vịt, heo của ông có thể vượt qua các đợt dịch bệnh. Tự học tập và tích lũy kinh nghiệm, giờ đây ông Thắng đã trở thành “bác sĩ thú y” không chỉ cho trang trại của mình mà còn cho cả vùng. Bà Nguyễn Thị Nương ở thôn Phước Bình
Làm sao để giảm chi phí, tăng thu nhập là điều mà ông Ngô Minh Thắng luôn suy nghĩ. Thức ăn cho gà, vịt… được ông pha trộn một cách khoa học, vừa đảm bảo chất lượng vừa tránh lãng phí. Ông trồng rau muống trên đám ruộng trước nhà, cung cấp rau cho trang trại chăn nuôi của mình.
Vào mùa nắng, ông trộn thức ăn có nhiều rau hơn bình thường, ngày mưa thì cho ăn thêm nhiều xác nha để tăng nhiệt độ cơ thể gia súc, gia cầm, giảm nguy cơ bệnh tật. Nhờ cách chăn nuôi khoa học, đàn vịt đẻ của ông Thắng có số lượng trứng luôn đạt 85-90% tổng số con của đàn; gà đẻ đạt 60-70% tổng số con. Mỗi ngày, từ việc bán trứng gà, vịt, ông Thắng thu 200.000 đồng tiền lời. Bán heo giống từ đàn heo nái đẻ ra, gia đình ông có thu nhập hàng chục triệu đồng. Nguồn thu nhập này đã đưa gia đình ông Thắng thoát khỏi cảnh nợ nần, cuộc sống được cải thiện đáng kể.
Ông Phạm Văn Bỉ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thành, cho biết: “Ông Ngô Minh Thắng là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi, được tuyên dương tại hội nghị nông dân tiên tiến của xã. Ông Thắng luôn đi tiên phong trong các hoạt động khuyến nông. Mô hình chăn nuôi trang trại của ông Thắng có sức khích lệ bà con ở đây làm theo”.
NHƯ QUỲNH