Ở vụ nuôi thứ nhất, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) bị lỗ nặng, sang vụ nuôi thứ hai người nuôi đã có lãi. Tuy nhiên, theo ngành Nông nghiệp, việc nuôi tôm ở đây vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thu hoạch tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) - Ảnh: A.NGỌC
Sau thất bại ở vụ một, nhiều người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch tập trung cải tạo ao, hồ và đầu tư nuôi vụ hai. Đến nay, đa số tôm nuôi vụ hai đã cho thu hoạch và có lãi chút ít. Ông Nguyễn Văn Bút nuôi tôm ở cánh đồng Gò Chày (xã Hòa Tâm), cho biết: “Vụ thứ hai, tôi thả nuôi trên 1,2ha với 30 vạn con giống. Tôm nuôi được hai tháng thì phát bệnh, phải thu hoạch sớm, nhưng nhờ trước khi bị bệnh tôm phát triển nhanh, nên đạt trọng lượng 95 con/kg. Với giá bán 83.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 140 triệu đồng”. Ông Phạm Ngọc Trúc nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp
Huyện Đông Hòa có 1.530ha tôm thẻ chân trắng, trong đó vùng hạ lưu sông Bàn Thạch được thả nuôi hơn 1.400ha, diện tích còn lại ở vùng nuôi tôm cao triều xã Hòa Hiệp Bắc. Trước đó, ở vụ một của năm 2011, tôm bị bệnh thân đỏ đốm trắng khiến người nuôi bị lỗ vốn. Ông Huỳnh Đại, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm, cho biết: “Vụ một, tôi thả nuôi trên 2ha, khi tôm gần một tháng rưỡi thì bị bệnh, lỗ gần 100 triệu đồng”. Không chỉ ông Huỳnh Đại, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Đông Hòa cũng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Hào nuôi tôm ở cánh đồng Vũng Tàu, xã Hòa Hiệp Nam cho biết, ông thả nuôi vụ một trên diện tích 1ha, lỗ gần 30 triệu đồng.
Theo ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, đa số người nuôi tôm chạy theo lợi nhuận, thả sớm với mật độ dày, nuôi nhiều vụ trong năm, không theo quy luật tự nhiên, không tuân thủ quy trình kỹ thuật nên trong vụ một, nhiều hộ bị thua lỗ nặng. Đến vụ hai, nhờ rút kinh nghiệm từ vụ một, cộng với việc tuyên truyền và mở các lớp tập huấn, người nuôi đã tuân thủ quy trình kỹ thuật hơn… Nhưng điều quan trọng nhất là trong suốt vụ hai thời tiết rất thuận lợi, tôm nuôi phát triển, giá tôm ở mức cao nên nhiều người nuôi có lãi. Theo ông Đồng, khó khăn nhất hiện nay đối với vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch là việc người nuôi không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong cải tạo ao, hồ trước khi thả nuôi; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp với việc nuôi thâm canh; mật độ thả nuôi quá dày; không tuân thủ theo lịch thời vụ. Người nuôi tôm xem nhẹ việc bảo vệ môi trường vùng nuôi, tự ý xả nước thải bừa bãi ra sông, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm do hệ thống dẫn nước dùng chung cho việc cấp và thoát. Thêm vào đó, người nuôi mua con giống trôi nổi trên thị trường nên chưa thể kiểm soát được chất lượng; vấn đề phân cấp quản lý nguồn giống thủy sản còn nhiều bất cập; tổ quản lý dựa vào cộng đồng ở nhiều khu vực nuôi đã được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả; quy chế vùng nuôi được ban hành, nhưng người nuôi không thực hiện…
ANH NGỌC