Không chỉ là những món ăn, Lễ hội ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam đã trở thành cuộc trình diễn lớn, nâng các món ăn thành nghệ thuật và được xem là “sứ giả” đặc biệt để quảng bá du lịch.
Trong bốn ngày (6-9/7), tại khu vực nhà hàng Ba Miền thuộc Trung tâm Hội nghị - Sinh thái Thuận Thảo (TP Tuy Hòa) đã diễn ra Lễ hội ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam, thu hút hàng ngàn thực khách thưởng thức các món ăn đến từ các vùng miền của cả nước.
Du khách đến với lễ hội- Ảnh: T.QUỚI |
DÂN DÃ VÀ ÐỘC ÐÁO
40 gian hàng của 21 đơn vị, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch đại diện ba miền Bắc - Trung -
Các gian hàng miền Bắc cũng thu hút sự chú ý nhiều du khách. Ai cũng muốn thưởng thức một tô phở Hà Nội, một tô bánh đa Hải Phòng ở ngay trên đất Tuy Hòa, hay tận mắt xem quy trình chế biến một món độc đáo mang đặc trưng văn hóa ẩm thực các dân tộc Tây Bắc. Khách sạn, nhà hàng Tây Bắc Xanh đến từ tỉnh Lai Châu xa xôi đã mang đến một hương vị lạ với món xôi nếp cẩm ăn kèm với cá sông nướng và gà đồ hoa chuối. Không ít người đã phải thốt lên sau khi thưởng thức: “Ồ, rất lạ miệng và ngon!”.
Phong phú, hấp dẫn nhất là các gian hàng của các đơn vị đại diện cho khu vực miền Trung và chủ nhà Phú Yên. Gian ẩm thực của các nhà hàng, khách sạn đến từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) giới thiệu đến thực khách các loại nem và xiên nướng. Còn các đơn vị đến từ tỉnh Ninh Thuận thì giới thiệu đến thực khách món thịt cừu nướng than hoa và bánh Sakara. Món ăn đặc trưng của tỉnh Bình Định là bún chả cá, nem chợ huyện. Riêng chủ nhà Phú Yên tham gia khá nhiều gian hàng, giới thiệu đến thực khách các món ăn mang đậm chất biển của xứ “nẫu”. Đó là mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc bắc (Khu du lịch và sinh thái Thuận Thảo), súp sứa (Khách sạn Sài Gòn – Phú Yên), sò huyết Ô Loan, gỏi cá mai… Đặc biệt, Phú Yên cũng giới thiệu và phục vụ du khách ba sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn là “bò vàng (khô) một nắng hai sương” của Doanh nghiệp Hà Trung ở huyện miền núi Sơn Hòa, rượu Quán Đế và bia Tuy Hòa. Ông Hồ Đắc Trung, đến từ TP Hà Nội đã không thể kềm lòng khi thưởng thức món bò khô một nắng hai sương chấm với muối kiến vàng (hoặc muối é trắng) và nhâm nhi ly rượu. Trước khi rời lễ hội, ông Trung đã không quên mua bò khô một nắng hai sương để làm quà cho người thân.
Điểm chung ở các gian hàng ẩm thực tham gia lễ hội là ngoài những món đặc biệt, mang đặc trưng vùng miền, các gian hàng đều có những món ăn dân dã, giá chỉ 5.000-30.000 đồng, như các loại bánh bèo, bánh xèo, bánh căn, bánh tôm, chả ram, nem nướng, chè các loại… Chính những mặt hàng này đã làm tăng thêm không khí rộn ràng, phong phú cho ngày hội ẩm thực.
NÂNG TẦM NGHỆ THUẬT
Món ăn không chỉ ngon, độc đáo mà còn phải thẩm mỹ và đẹp, đó là tôn chỉ của các nhà hàng, khách sạn. Chính điều này đã tạo nên sự hoàn mỹ của các món ăn và nâng tầm thành nghệ thuật ẩm thực, tạo nên dấu ấn riêng của từng thương hiệu. Khách đến lễ hội không chỉ thưởng thức món ăn mà còn xem quy trình chế biến, trình bày của các đầu bếp “có sao” đến từ các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng trong cả nước.
Du khách rất thán phục về sự khéo léo của các đầu bếp và muốn thưởng thức ngay các món ăn sau khi nhìn thấy cách chế biến vệ sinh và trình bày bắt mắt. Món cơm Susi của khách sạn Hoa Anh Đào (Phú Yên) là một ví dụ. Bà Nguyễn Thị Yến Hoa, chủ khách sạn đồng thời là bếp trưởng ở đây “biểu diễn” không kịp cho nhu cầu của khách đến xem và thưởng thức. Bà Hoa cho biết: “Cơm Susi là món mang phong cách Nhật Bản, cách thức chế biến và bày biện mang nhiều yếu tố văn hóa Nhật Bản, nhưng nguyên liệu chế biến, hương vị là hoàn toàn của Phú Yên. Tôi muốn tạo một món ăn mới lạ, có sự kết hợp giữa văn hóa ẩm thực của hai đất nước”.
Đầu bếp Đồng Văn Sâm, bếp trưởng nhà hàng Tây Bắc Xanh thì lại rất điêu luyện với món gà đồ hoa chuối. Chỉ cần nhìn thấy cách đồ gà và hoa chuối, gói chúng lại bằng lá chuối rừng là mọi người đã muốn mua và thưởng thức ngay.
Không chỉ có chế biến ngon, trình bày đẹp, các nhà hàng, khách sạn tham gia lễ hội còn rất cầu kỳ trong việc đặt tên món ăn của mình nhằm tạo nên sức hấp dẫn cho thực khách. Nhiều tên món cầu kỳ, độc đáo khiến khách đi qua phải nhín thời gian để dừng lại và xem, như món: Mãnh long quá hải, cá hóa rồng, heo cắp nách, chả giò lồng đèn… Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tạo một khung cảnh đặc trưng vùng miền ở ngay gian hàng của mình để giúp thực khách có thể vừa xem món ăn, vừa biết thêm những cảnh đẹp của từng vùng đất. Một không gian núi Nhạn, sông Đà đã được khách sạn CenDeluxe mô phỏng bằng trái cây các loại ngay trước mặt gian hàng, khiến du khách ngỡ ngàng trước tài khéo léo của các “vua bếp”.
Bà Lê Mai Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng Cục Du lịch), Phó Ban tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam, cho biết: “Từ những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà hàng, khách sạn đã xem ẩm thực là một sản phẩm độc đáo của du lịch. Hàng năm ngành Du lịch đều tổ chức các hoạt động tương tự như thế này, tuy nhiên quy mô tổ chức cũng chỉ để các đầu bếp giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Gần đây, lễ hội ẩm thực được thường xuyên tổ chức và quy mô lớn hơn. Đó là sự tìm tòi, phát triển những món ăn ngon của các vùng miền, qua đó nâng cấp thành nghệ thuật và gắn với văn hóa ẩm thực nhằm tạo nên thương hiệu ẩm thực Việt |
TRẦN QUỚI