Trong khi có những cụm công nghiệp (CCN) đã lấp đầy cần mở rộng nhưng không thể thực hiện thì vẫn còn CCN trong tình trạng “vắng vẻ” do không thu hút được nhà đầu tư.
Sản xuất tại CCN Ba Bản, huyện Sơn Hòa. - Ảnh: T.AN
Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 8 CCN được UBND tỉnh cho phép đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: Hòa An (huyện Phú Hòa), Tam Giang (huyện Tuy An), thị trấn Sông Cầu (nay là TX Sông Cầu), thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), Ba Bản (huyện Sơn Hòa), Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) và CCN tại TP Tuy Hòa. Đến nay, ngoài một số CCN phải hoãn, giãn tiến độ xây dựng do nằm trên diện tích lúa 2 vụ hoặc không đảm bảo môi trường thì có 5 CCN hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư. Trong đó, CCN Hòa An với quy mô 6,8ha, thu hút hơn chục dự án hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động của huyện Phú Hòa, trong đó gần 200 lao động của xã Hòa An. Theo Sở Công Thương Phú Yên, cùng với CCN Tam Giang cơ bản lấp đầy thì CCN Hòa An thu hút đầu tư và hoạt động hiệu quả nhất trong số các cụm đã đầu tư toàn tỉnh. Ông Lê Đình Khoa, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Phú Hòa cho biết: “Nhiều doanh nghiệp tại đây, sau thời gian hoạt động đang có nhu cầu mở rộng diện tích thuê đất phục vụ sản xuất nhưng không thể thực hiện. Do diện tích mở rộng của CCN trong quy hoạch trước đó thuộc diện tích sản xuất lúa”.
Trong khi đó, các CCN khác, như tại thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh), thị trấn Sông Cầu (nay là TX Sông Cầu), Ba Bản (huyện Sơn Hòa)… vẫn đang “khát” nhà đầu tư. CCN thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) được xây dựng hoàn chỉnh từ năm 2006 với diện tích đã giải phóng mặt bằng, xây dựng tường rào khoảng 4ha và quỹ đất dự phòng mở rộng khá lớn. Nhưng đến nay, tại đây chỉ mới tiếp nhận được doanh nghiệp An Phát sản xuất đá Granite, nhưng nhiều khả năng nhà máy sẽ không thể hoạt động. Ông Trần Thuấn, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Sông Hinh cho biết: “Thời gian qua, huyện khuyến khích các cơ sở sản xuất nhỏ của địa phương vào đầu tư nhưng chưa có thêm doanh nghiệp đăng ký. Riêng doanh nghiệp An Phát đến nay vẫn chưa lắp đặt máy móc, nhiều khả năng sẽ không thể tiếp tục do không xin được giấy phép khai thác đá tại địa phương…”. Theo ông Thuấn, đến mùa thu hoạch nông sản bà con nông dân rất cần những nhà máy sơ chế nông sản tại địa phương sau đó xuất khẩu giá trị kinh tế sẽ cao hơn. Như cao su, hiện tại toàn huyện có hơn 2.000ha, một diện tích lớn đã khai thác đến năm thứ 3 nhưng chỉ đóng thùng (mủ) bán cho thương lái chuyển sang địa phương khác. Địa phương rất cần và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào CCN để thực hiện các bước sơ chế ban đầu như nhà máy đóng bánh cao su, sơ chế cà phê, tiêu trước khi xuất khẩu.
Tương tự, tại CCN Ba Bản (huyện Sơn Hòa), sau nhiều năm kêu gọi đầu tư đã có một số doanh nghiệp đăng ký, tuy nhiên cũng chỉ một số đơn vị sản xuất nhỏ không thu hút nhiều lao động. Đến nay, CCN này vẫn chưa lấp đầy diện tích 7,3ha đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Ông Dương Hạnh, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sơn Hòa cho biết, hiện tại có một số đơn vị đang muốn đăng ký xây dựng nhà máy vào CCN Ba Bản các ngành chế biến hạt điều, sản xuất đá bazan. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp này đầu tư trong thời gian đến.
Theo ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó thu hút đầu tư vào các CCN tại các địa phương. Trong đó, ảnh hưởng của khó khăn tài chính thời gian vừa qua là một nguyên nhân. Cùng với đó, những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, lao động, xa trung tâm… là những lý do dẫn đến khó thu hút đầu tư.
THỤY AN