Nhiều tháng nay, nông dân ở các HTX thuộc huyện Phú Hòa rất bức xúc vì doanh nghiệp chưa thu mua lúa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm như đã ký kết. Một số người phải bán lúa đặc sản với giá lúa thường, số khác vẫn giữ lúa trong nhà, mỏi mắt chờ doanh nghiệp thu mua.
Ông Sanh rầu rĩ bên đóng lúa “đặc sản” không bán được - Ảnh: N.XUÂN |
MÒN MỎI CHỜ BÁN LÚA
Trong vụ đông xuân 2010-2011, Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa tổ chức cho 6 HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp (gọi tắt là HTX): Hòa Hội, Hòa Quang Bắc, thị trấn Phú Hòa, Hòa Định Tây 1, Hòa An Đông, Hòa Thắng 2 ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa dẻo thơm OM 61-62 với DNTN Tường Liên có trụ sở tại điểm KCN Hòa An, Phú Hòa. Theo hợp đồng, DNTN Tường Liên sẽ thu mua 300 tấn lúa của các HTX với giá tùy thời điểm theo mức quy đổi 1kg = 1,45kg (lấy giá lúa ML 4-2 làm giá chuẩn), điều kiện ẩm độ từ 14-14,50C.
Thực hiện hợp đồng, 6 HTX đã triển khai cho các xã viên trồng lúa giống OM 61-62 trên diện tích 50ha, xã viên đã ký hợp đồng khi thu hoạch xong phải để lúa bán cho DNTN Tường Liên. Nhưng sau khi thu hoạch, doanh nghiệp này chỉ mua 9,8 tấn lúa với giá 7.700 đồng/kg của HTX thị trấn Phú Hòa, không thu mua số lượng còn lại của các HTX khác.
HTX thị trấn Phú Hòa có 115 hộ xã viên tham gia trồng lúa đặc sản
Trong khi HTX thị trấn Phú Hòa bán được 9,8 tấn lúa thì ở các HTX khác chưa người dân nào đã ký hợp đồng bán được lúa cho doanh nghiệp. Tại HTX Hòa Hội, sau khi thu hoạch lúa, các hộ dân được nhận một số bao đựng lúa từ doanh nghiệp Tường Liên chuyển đến. Ai cũng háo hức chờ bán nhưng ngày này sang ngày khác vẫn không có người đến mua. Hy vọng nhiều, thất vọng càng lớn, không thể chờ được nữa, nhiều gia đình phải bán lúa cho tiểu thương khác.
DOANH NGHIỆP CHÊ LÚA XẤU
Ông Huỳnh Kinh Tường, Giám đốc DNTN Tường Liên giải thích: “Khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tôi chỉ thấy hạt gạo (không thấy hạt lúa) nên cũng không biết hạt lúa của nó hình dáng như thế nào và cũng chưa tìm hiểu kỹ thị trường tiêu thụ (?!). Bên cạnh đó, vụ lúa vừa rồi bị ảnh hưởng của thời tiết nên chất lượng lúa rất xấu, hạt bị nghiêng, không đều; năng suất thấp, khi đem lúa xay xát tỉ lệ gạo chỉ đạt khoảng 51-52% (trong khi loại gạo bình thường đạt khoảng 64-65%); hạt gạo lại bị gãy, vỡ nhiều, không no tròn, trong hạt như gạo mẫu. Do đó, khi thu mua, đưa loại gạo này ra thị trường với giá cao (11.000 đồng/kg) thì không được người tiêu dùng ưa chuộng nên sức bán ra rất kém. Sau khi mua 9,8 tấn lúa OM 61-62 vừa rồi, doanh nghiệp đã lỗ khoảng 7-8 triệu đồng nên chúng tôi phải xem xét lại việc có nên tiếp tục mua lúa hay không và mua với giá nào”. Ông này cho biết thêm, nếu các xã viên vẫn còn giữ lúa, ông sẽ xuống thu mua tiếp, nhưng chỉ mua với giá thấp hơn so với giá ban đầu đưa ra.
Hiện các HTX đã ký hợp đồng với doanh nghiệp Tường Liên vô cùng rất bức xúc vì doanh nghiệp đã đặt hàng, nhưng khi thu hoạch xong lại không có trách nhiệm thu mua, để người nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, còn các HTX gặp khó khăn trong việc quản lý xã viên và triển khai mới các chương trình hoạt động của HTX. Ông Nguyễn Quang Thu, Chủ nhiệm HTX thị trấn Phú Hòa cho biết: “Chúng tôi đã đứng ra vận động bà con trồng loại lúa OM 61-62, cam kết có nguồn bao tiêu sản phẩm, lại yêu cầu bà con ký cam đoan phải để dành lúa cho doanh nghiệp với giá cao. Nay doanh nghiệp không chịu thu mua lúa làm bà con mất lòng tin nên HTX chúng tôi sau này muốn triển khai chương trình khuyến nông nào cũng sẽ khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để yêu cầu họ thu mua lúa với giá thỏa đáng”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, vụ đông xuân vừa qua, năng suất bình quân lúa đặc sản OM 61-62 đạt 72 tạ/ha, tổng sản lượng thu về hơn 300 tấn lúa nhưng chỉ bán được một phần rất nhỏ. Doanh nghiệp không thu mua, người dân chán nản, đổ lỗi cho HTX triển khai chương trình không hiệu quả.
Ông Lương Công Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: “Việc DNTN Tường Liên ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng không thực hiện đã gây khó khăn rất lớn cho các HTX cũng như Phòng NN-PTNT. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục mời chủ doanh nghiệp này lên làm việc với đại diện các HTX để hai bên thương lượng lại điều kiện mua - bán theo hợp đồng đã ký kết trước đó; nhất định yêu cầu doanh nghiệp phải giữ uy tín, trách nhiệm, không để bà con nông dân chịu thua thiệt”.
NGÔ XUÂN