Thứ Ba, 26/11/2024 20:30 CH
Những “quầy thuốc” ở các chợ nông thôn:
Không an toàn, khó quản lý
Thứ Bảy, 09/07/2011 11:00 SA

Không giấy phép kinh doanh, không có địa điểm cố định, không niêm yết giá thuốc, không có người tư vấn hướng dẫn sử dụng, không phải chịu trách nhiệm về loại thuốc bán ra..., đó là đặc điểm của những “quầy thuốc” di động xuất hiện khá phổ biến tại nhiều chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

quay-thuoc110709.gif

Một “quầy thuốc” ở chợ Quy Hậu (thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa)- Ảnh:  L.HẢO

 

Mua thuỐc như mua… kẸo

 

Bộ Y tế quy định các cơ sở bán lẻ thuốc phải đạt tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices: nhà thuốc thực hành tốt). Theo tiêu chuẩn này thì chủ cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề dược; nhân viên trực tiếp tham gia bán thuốc phải có bằng cấp chuyên môn dược, không bị mắc bệnh truyền nhiễm; cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở bán lẻ thuốc phải có địa điểm cố định, bố trí ở nơi cao ráo, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm; có đủ thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, sự ô nhiễm, sự xâm nhập của côn trùng…

“Quầy thuốc” nằm ven lối đi, xen giữa hàng cá, hàng rau, hàng giày dép, quần áo… trong chợ. Chỉ cần có một thùng giấy hoặc thùng thiếc đơn sơ chứa các loại Vitamin, dầu gió, vỉ thuốc đủ loại không nhãn mác, không thời hạn sử dụng… “quầy thuốc” cũng có thể thu hút khách hàng. Tại chợ Quy Hậu (thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa), chúng tôi đếm được ba “quầy thuốc đa không” bày bán công khai các loại thuốc tân dược (thuốc tây) như thế. Đóng vai một người bệnh, tôi đến “quầy thuốc” của bà Th. hỏi mua thuốc cảm, ho. Không cần biết về triệu chứng bệnh hay thể trạng của người sử dụng thuốc, bà Th. nhanh tay “bốc” cho 2 liều dùng gồm các loại thuốc: Decolgen, Penicilin, Terpin, Theralen, BAR… Đưa thuốc cho “người bệnh” và lấy 7.000 đồng, bà Th. không dặn dò gì thêm. Khi tôi buộc miệng hỏi nên uống thuốc lúc nào thì bà Th. mới bảo: “Uống trước hay sau bữa ăn đều được”.

 

Dược sĩ Phạm Ngọc Chương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Phú Yên), cho biết tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ được bán tại các hiệu thuốc được ngành chức năng cấp giấy phép. Việc sử dụng thuốc bán ở các cửa hàng tạp hóa hoặc ở chợ, do những người không có chuyên môn về dược tự kê đơn sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Bà L.T.X.Ph, chủ một “quầy thuốc đa không” ở chợ Phước Nông (thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) thừa nhận: “Tôi bán thuốc đã được 8 năm. Vì học lỏm cho biết tên thuốc rồi đi bán nên tôi cũng chỉ dám bán những loại thuốc đơn giản như cảm, đau đầu, hạ sốt, kháng viêm, trầy xước…”.

 

Đa phần, thuốc tây bán ở chợ là thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không thể kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, do tâm lý người dân muốn mua thuốc rẻ tiền và tiện dụng nên những “quầy thuốc đa không” vẫn duy trì hoạt động. Chị Nguyễn Thị B. ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) vô tư nói: “Nhà tôi ở gần chợ nên mỗi khi trong gia đình có người bị cảm sốt, đau đầu, đau bụng… tôi ghé chợ mua thuốc cho tiện. Vả lại, thuốc ở chợ bán rẻ hơn trong tiệm”. Theo dược sĩ Chương: “Khi bị bệnh, nếu người dân không qua cơ sở y tế khám và điều trị mà tự ý tìm đến chợ mua thuốc sẽ dễ gây ra tình trạng dùng thuốc không đúng liều, nhờn thuốc, kháng thuốc hoặc có những phản ứng phụ bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Đối với một số bệnh chuyên khoa cần được chỉ định điều trị rất khắt khe, dùng sai thuốc sẽ không khỏi, khi bệnh nặng lên thì việc chữa bệnh càng gặp nhiều khó khăn”.

 

Khó kiỂm tra, xỬ phẠt

 

Theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng. Tuy vậy, các ngành chức năng có liên quan đang rất lúng túng trong vấn đề kiểm tra, xử phạt sai phạm của các “quầy thuốc đa không” tại các chợ nông thôn.

 

Dược sĩ Phạm Ngọc Chương cho hay, thực trạng kinh doanh thuốc tân dược không có giấy phép không chỉ phổ biến ở chợ nông thôn mà xuất hiện cả ở các chợ trong thành phố. Sở Y tế đã tổ chức nhiều tổ công tác liên ngành kết hợp với đại diện của đội quản lý thị trường và công an đi kiểm tra hàng loạt chợ trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc quản lý cũng như xử phạt những trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi đoàn kiểm tra đến, những người bán thuốc dễ dàng giấu thuốc của mình bằng cách che đậy hoặc để lẫn vào bất cứ quầy hàng tạp hóa nào; đoàn kiểm tra ra về thì đâu lại vào đấy. Bên cạnh đó, tâm lý người mua cũng góp phần giúp cho các quầy thuốc này tiếp tục hoạt động một cách công khai.

 

“Mỗi người dân phải tự giác nêu cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Khi mắc bệnh, cần đến các đại lý bán thuốc được ngành Y tế cấp phép hành nghề hoặc các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; không nên mua và sử dụng tùy tiện các loại thuốc tân dược ngoài chợ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Chương cảnh báo.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek