Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐN) nông nghiệp, nông thôn là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế – xã hội, mà ở đó người nông dân đóng vai trò chủ thể, là lực lượng sản xuất căn bản, trực tiếp, đóng vai trò quyết định.
Đảng ta coi việc phát huy nhân tố con người như một nguồn lực quan trọng nhất của sự nghiệp CNH, HĐH. Vì vậy, để phát huy nhân tố con người trong nông nghiệp, nông thôn, trước hết phải tạo được môi trường thuận lợi để người nông dân được phát triển tốt nhất cả về trí tuệ, thể lực và nhân cách.
Đầu tư cho giáo dục, đào tạo, nâng cao tri thức cho lực lượng lao động nông thôn được coi là đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội ở nông thôn. Mở rộng các loại hình giáo dục và bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn, hình thành các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề mới của nông dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn.
Nhiều làng nghề truyền thống ở Phú Yên đã được khôi phục, nâng cao giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ - Ảnh: PV
Từ đó, nâng cao dân trí dẫn đến việc thay đổi các quan niệm cũ của người dân nông thôn, những bộ phận nông dân tỏ ra bất cập trước yêu cầu và tình hình mới, chưa kịp chuyển sang tư duy kinh tế thị trường. Trong điều kiện của nền kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường đòi hỏi người nông dân thay đổi cách suy nghĩ, cách làm, thay đổi nếp sống cho phù hợp với điều kiện mới.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu diễn ra chậm và manh mún, thiếu ổn định chính là do trình độ dân trí thấp đã hạn chế năng lực làm chủ, yếu kém về năng lực cạnh tranh dẫn đến lối sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp truyền thống. Tư duy kinh tế chưa phát triển đã và đang kìm hãm sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ảnh hưởng đến việc áp dụng các chủ trương, chính sách, đến sự vận dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, mà đây lại là yêu cầu rất cần thiết của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài việc đào tạo con người, vấn đề tập trung, tích tụ ruộng đất trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là vấn đề không thể thiếu. Tập trung, tích tụ ruộng đất tạo điều kiện để CNH, HĐH và sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là tình trạng ruộng đất phân tán mà người dân đang canh tác, thứ nữa là có những người có nhiều ruộng đất nhưng lại ở nhiều nơi khác nhau…
Nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa, thủy lợi hóa gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, cần phải xây dựng chính sách ruộng đất sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Vấn đề ruộng đất là vấn đề bao trùm và xuyên suốt trong quan hệ sản xuất ở nông thôn. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai là phải nhằm đảm bảo cho nông dân có ruộng đất và là chủ thể thực tế của đất đai với mục tiêu là đất đai được sử dụng với hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện cho xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp bằng cách phát triển công nghiệp, dịch vụ, các làng nghề truyền thống… Phú Yên là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng về phát triển các làng nghề truyền thống và để phát triển mạnh, có tính định hướng chúng ta phải quy hoạch cụ thể, xây dựng các nhà xưởng, phân vùng nguyên liệu mang tính chất lâu dài, bền vững để đáp ứng được nhu cầu cho các làng nghề (mây, tre, nứa, lá, gốm sứ…), quảng bá rộng rãi sản phẩm, thu hút đầu tư và hình thành thương mại hóa…
Để Phú Yên sớm thoát nghèo, người dân từng bước hoàn thiện về mọi mặt, phát triển ngang bằng các tỉnh, thành phố trong cả nước thiết nghĩ đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và phát triển có tính chất bền vững các làng nghề truyền thống là một hướng đi sẽ gợi mở bước phát triển mới, nhất là khi đất nước ta đang đứng trước cơ hội lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đó là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… Trước hết, chúng ta phải thực hiện các vấn đề sau cả về trước mắt và lâu dài:
Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo đà cho việc phát triển kinh tế – xã hội.
Hình thành các vùng kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp đủ lương thực thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp, có năng lực cạnh tranh và xuất khẩu. Tạo ra sự tăng trưởng và tích lũy từ nông nghiệp, nông thôn góp phần ổn định chính trị – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân cư ở nông thôn.
Đẩy mạnh lưu thông hàng hóa nông sản, kích thích sức mua của nông dân để tạo ra thị trường rộng lớn nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, phát triển các làng nghề truyền thống, cả về dịch vụ và quảng bá rộng rãi sản phẩm… để tạo việc làm và tăng thu nhập; nâng cao tay nghề và trình độ cho nông dân; giải quyết việc làm cho lực lượng nông dân trong độ tuổi lao động.
Nâng cao ý thức làm giàu và phát huy sức sáng tạo của từng cá nhân để làm giàu cho quê hương, đất nước góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên mảnh đất giàu tiềm năng.
NGUYỄN HOÀNG THÀNH
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên)