Nghề làm bánh tráng ở An Chấn, huyện Tuy An tuy chưa nổi tiếng như các nơi khác nhưng là nguồn thu nhập chính của hơn 100 hộ dân nơi đây. Bà con yêu nghề và muốn phát triển con đường mưu sinh này nên khi nghe tin Trung tâm Dịch vụ việc làm (Hội Nông dân tỉnh Phú Yên mở lớp dạy nghề tráng bánh thủ công, nhiều chị em đã đăng ký học, kể cả những người từng gắn bó lâu năm với lò tráng bánh.
Nhiều phụ nữ ở xã An Chấn đã chọn nghề làm bánh tráng vì có thu nhập cao - Ảnh: T.THỦY
Ông Võ Hữu Sung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, cho biết : “Dựa vào đặc thù và nghề truyền thống của mỗi vùng mà Trung tâm có những lớp trang bị nghề phù hợp, nhằm giải quyết lao động dư thừa, giúp bà con ổn định cuộc sống ví như dạy nghề tráng bánh thủ công ở An Chấn. Trước mắt chúng tôi trang bị nghề cho bà con. Về sau, nếu có đơn đặt hàng bánh tráng, thì nơi đây sẽ là một điểm sản phẩm chính và có thương hiệu hẳn hoi”.
Trong hơn một tháng, với hai phần lý thuyết và thực hành, khoá học đã giúp cho 35 chị em hiểu thêm những cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những người từng làm nghề tráng bánh khóa học cũng thật hữu ích. Chị Ngô Thị Đến (thôn Phú Thạnh), người đã có 20 năm trong nghề, cho biết: “Tham gia lớp học, tôi biết thêm bí quyết làm bột hết chua rộng lại bột trong nước và cho thêm ít muối; biết cả cách vận hành máy xay bột để đảm bảo an toàn và hiệu quả”. Chị Nguyễn Thị Hường (thôn Phú Phong) hơn 10 năm trong nghề vẫn hăm hở tham gia học. Chị nhận ra nhiều điều, thêm một ít bột mì, một ít muối vào bột để bánh được giữ độ ẩm và dai, không dễ bị vỡ vụn khi bánh khô. Trước đây, bà con tráng bánh xong thường “đụng đâu phơi đó”. Giờ qua bài học vệ sinh an toàn thực phẩm, chị em biết không nên phơi trệt, gần lề đường mà phải làm sào phơi bánh. Khi chưa học, các chị ngâm bột chỉ từ 1-2 tiếng, nay được hướng dẫn ngâm 8-12 tiếng để khi xay bột rất mịn, nhuyễn, không làm hư cối. Chị Đến, chị Hường sống bằng nghề tráng bánh, mỗi tháng thu nhập từ 600-800.000 đồng, cao hơn so với làm nông, nên họ quyết tâm theo học để ổn định nghề lâu dài.
Hào hứng nhất chính là những chị mới học cách tráng bánh. Chị Trương Thị Thu Hảo (thôn Phú Thạnh) mới tập tò thực hành các công đoạn nhưng cho ra sản phẩm đẹp nên được khen. Chị bảo, sau khoá học này, chị sẽ về xây lò làm bánh tại nhà, vì nghề này thích hợp với phụ nữ, lại có thu nhập ổn định. Cô học sinh lớp 11 Nguyễn Thị Kiều cũng theo học với các chị các cô. Kiều nói: “Nếu sau này thi không đậu vào trường nào thì em sẽ chọn nghề làm bánh tráng để sinh sống”.
Thấy lớp dạy nghề tráng bánh thủ công rất thiết thực với bà con nông dân quê mình nên lãnh đạo địa phương rất đồng tình. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Văn Lắm nói: Sau lớp thí điểm này, nếu nông dân có yêu cầu thì chúng tôi đề nghị mở lớp nữa. Mong sao An Chấn sẽ phát triển về số lượng người tham gia và nâng cao chất lượng bánh để làng nghề ngày càng đứng vững.
THU THỦY