Tình trạng khai thác vàng trái phép cứ lặp đi lặp lại, Hòn Hàn (còn gọi là đồi 221) thuộc xã Sơn Thành Ðông, huyện Tây Hòa bị băm nát bởi rất nhiều hầm vàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, an ninh trật tự và cả an toàn công trình đầu mối thủy nông Ðồng Cam.
|
Bảo vệ Công ty Thủy nông Đồng Cam kiểm tra một hầm vàng tại Hòn Hàn (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) - Ảnh: H.TRUNG |
XÂM NHẬP BÃI VÀNG
Với một số nhà báo, cái tên Hòn Hàn là nỗi trăn trở. Vậy nên khi Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam Trần Tiến Anh rủ vào khu vực này, chúng tôi lập tức lên đường. Chiếc U-oát chở đoàn công tác men theo con đường dài hơn 9km chạy dọc kênh chính nam để vào khu vực đập đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam. Đến lù Thừa Bị, chiếc xe dừng lại, tổ bảo vệ đập đã có mặt. Họ gồm 4 người, được trang bị một roi điện và hai cái rựa. Giám đốc Trần Tiến Anh hội ý nhanh với các cán bộ dưới quyền về phương án bảo vệ rồi cắt rừng vào bãi vàng.
Từ chỗ tập kết, chúng tôi phải đi xuyên qua những rừng cây rậm rạp, dốc dựng đứng nên mới vài trăm mét mà ai nấy đã ướt đẫm mồ hôi. Vào sâu trong rừng khoảng 600m, chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy dưới tán cây rừng là những chiếc xe máy, trong đó có cả những xe mang biển số 92 (của tỉnh Quảng Nam). Hai thanh niên lực lưỡng đang chuẩn bị đưa những bao đất lên xe vụt chạy cùng những tiếng huýt sáo kéo dài. Thế là đã lộ. Chúng tôi nhắc nhau giữ khoảng cách và cảnh giác hơn. Đi thêm chừng 400m nữa, chúng tôi thấy bãi vàng Hòn Hàn hiện ra trước mắt với rất nhiều hầm, xung quanh mỗi miệng hầm đều có một số bao đựng đất có vàng (thường gọi là sái). Mật độ hầm rất dày và hầm nào cũng sâu hun hút. Theo anh H.N.V, tổ trưởng tổ bảo vệ đập đầu mối thủy nông Đồng Cam, trong khu vực Hòn Hàn ước tính có cả trăm hầm khai thác vàng, những hầm lớn rộng 9m2, sâu khoảng 10m, các hầm khác có diện tích bình quân khoảng 2m2. Tại một hầm vàng được cho là có quy mô nhất ở đây, dấu vết của một cuộc đào bới đất vàng vẫn còn rất mới. Những chiếc xô đầy ắp sái vàng chưa kịp đổ vào bao. Một nồi cơm lớn cùng thức ăn, mắm muối, bánh tráng và cả càphê pha sẵn đã được chuẩn bị. Điều này chứng tỏ hoạt động khai thác vàng diễn ra suốt ngày đêm ở đây và những phu vàng được tiếp tế đầy đủ để có thể “bám trụ” ở Hòn Hàn lâu dài. Kiểm tra một số hầm vàng khác, chúng tôi nhận thấy cách tổ chức khai thác vàng ở đây khá bài bản. Ở một hầm vàng lớn, bên cạnh miệng hầm còn mấy cục pin và những đoạn dây điện. Các bảo vệ đập đầu mối Đồng Cam cho biết, đó là dụng cụ để phu vàng đánh mìn, khoét hầm đào vàng. Hầu như ngày nào họ cũng nghe những tiếng ình ình (đánh thuốc nổ) trong lòng đất. Ở những khu vực trúng vàng, hầm nào cũng sâu hun hút, phu vàng có “sáng kiến” đưa ôxy vào hầm bằng quạt tự chế như ống bễ lò rèn. Hệ thống ròng rọc sẽ giúp phu vàng đưa sái lên xuống một cách dễ dàng, hiệu quả. Theo anh H.N.V, tổ trưởng tổ bảo vệ đập đầu mối Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, ở Hòn Hàn, phu vàng có 2 cách khai thác sái. Cách thứ nhất là đào đá mặt rồi dùng lồng quạt, rổ sàng đất lẫn đá. Cách thứ hai là đào hầm đục đá bằng thuốc nổ. Cách này phu vàng Hòn Hàn chuộng hơn vì có thể khoét sâu vào lòng núi. Hiện khu vực Hòn Hàn có khoảng 18 hầm vàng theo kiểu này, trong đó nhiều hầm được cho là liên tục trúng vàng nên có rất đông người tập trung khai thác. Theo các nhân viên bảo vệ đập đầu mối thủy nông Đồng Cam, tại Hòn Hàn có 3 lán cố định, mỗi lán có từ 7 đến 8 phu vàng cắm chốt, còn số người sáng đi, chiều về thì lên đến hàng chục. Hầu hết trong số này là người dân hai xã Sơn Thành Đông và Sơn Thành Tây huyện Tây Hòa.
LẼ NÀO BÓ TAY?
Tình trạng khai thác vàng tại khu vực Hòn Hàn, xã Sơn Thành Đông cứ tái diễn như một căn bệnh lờn thuốc. Cái tên Hòn Hàn đã được báo chí và các cơ quan chức năng nhiều lần nhắc đến là một điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, đe dọa đến an toàn công trình đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Tây Hòa nhiều lần tổ chức lực lượng truy quét nhưng xem ra vẫn không hiệu quả. Những người khai thác vàng trái phép tại Hòn Hàn đã tổ chức cảnh giới từ xa để phát hiện người lạ vào bãi vàng. Anh H.N.V, tổ trưởng tổ bảo vệ đập đầu mối Đồng Cam cho biết: Ngoài các chân rất “cắm” dọc theo tuyến đường dẫn vào Hòn Hàn, phu vàng còn đặt một trạm quan sát trên cây da cổ thụ gần đỉnh Hòn Hàn. Đứng ở đây, có thể phát hiện động tĩnh ở một khu vực rộng lớn xung quanh. Thế nên khi các cơ quan chức năng rầm rộ ra quân thì những người khai thác vàng dễ dàng phát hiện, lẩn trốn. Mới đây, tổ công tác liên ngành của huyện Tây Hòa bất ngờ tập kích bãi vàng nhưng cũng chỉ xử lý 3 trường hợp từ nơi khác đến với hình thức cảnh báo. Sau khi lực lượng chức năng rút đi, mọi việc đâu lại vào đấy. Hòn Hàn tiếp tục bị băm nát bởi rất nhiều hầm vàng. Ngoài việc mất tài nguyên, khoáng sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực, tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Hòn Hàn còn tiềm ẩn nguy cơ đất đá tràn xuống khu vực đập đầu mối Đồng Cam khi mùa mưa bão đang đến gần. Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, nói: Chúng tôi lo lắm, vì việc khai thác vàng cứ tiếp diễn. Khi có mưa lớn, đất trên đồi sẽ tràn hết xuống công trình đầu mối thì hậu quả khó lường. Trong khi đó, theo ông Ngô Văn Đoan, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Tây Hòa, địa phương này liên tục kiểm tra, truy quét ở khu vực Hòn Hàn nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Sắp tới, có thể huyện Tây Hòa sẽ tổ chức một lực lượng liên ngành chốt tại Hòn Hàn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có vẻ như sau khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ, chính huyện Tây Hòa cần phải có những giải pháp quyết liệt. Song hiệu quả mang lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bởi đây là vấn đề khó, không thể dễ dàng chấm dứt ngay.
Trên đường từ Hòn Hàn trở về, chúng tôi có dịp tiếp cận một phu vàng đang chở các bao sái về nơi tập kết. Anh ta cho biết, mỗi ngày nếu trúng, mỗi phu vàng có thể kiếm được từ 300.000 – 500.000 đồng. Rõ ràng, thu nhập của những người đào vàng trái phép tại Hòn Hàn và nhiều nơi khác trong tỉnh cao hơn nhiều nghề khác. Và vì vậy, cuộc chiến hcoosng vàng “tặc” lại càng cam go hơn.
HOÀI TRUNG – TUYẾT HƯƠNG