Thứ Ba, 26/11/2024 12:42 CH
Xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bằng đa dạng sinh học
Thứ Ba, 05/07/2011 10:00 SA

Thực tế những năm qua cho thấy môi trường nhiều vùng nuôi trồng thủy sản ở nước ta ngày càng có chiều hướng xấu đi, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 

Tomchet110705.jpg

Môi trường ô nhiễm, nhiều hộ nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) bị mất trắng - Ảnh: A.NGỌC

 

Vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố như chất lượng giống, sự diễn biến phức tạp của thời tiết, tình trạng lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, các chất thải từ sinh hoạt, từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp làm ảnh hưởng đến nguồn nước ở các vùng hạ lưu sông, các đầm vịnh ven biển. Có thể nói môi trường xấu là một trong những tác nhân chủ yếu và là điều kiện thuận lợi để bệnh trên các đối tượng thủy sản bùng phát và lây lan ra diện rộng. Mặt khác, do nhiều vùng có quá trình phát triển nuôi rồng thủy sản trải qua một thời gian dài, lượng dư thừa và chất thải hữu cơ tích lũy trong các đầm, vịnh, vùng các cửa sông, ao hồ nuôi trồng thủy sản và kênh mương nội đồng nhiều năm đã làm cho các yếu tố môi trường liên quan trực tiếp quá trình sinh trưởng của các đối tượng thủy sản như độ pH của đất và nước, độ trong, độ kiềm, ô xy hòa tan, hàm lượng các khí độc như H2S, NH3… có sự biến đổi liên tục làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các đối tượng thủy sản. Môi trường nuôi trồng thủy sản đang thực sự là vấn đề nhức nhối của ngành thủy sản và các cấp chính quyền địa phương trong cả nước mỗi khi bắt đầu vào vụ nuôi trồng mới.

 

Từ thực trạng môi trường nuôi trồng thủy sản ở nhiều vùng ngày càng xấu đi, cần có giải pháp hợp lý và hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây là Bộ Thủy sản đã ban hành quy chế quản lý môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và nhiều quy định liên quan quản lý chất lượng giống, quản lý thuốc thú y thủy sản, các hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản… nhưng xem ra việc tiếp ứng thực hiện ở nhiều địa phương còn hạn chế.

 

Ngoài các biện pháp như quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản đến chi tiết, đầu tư xây dựng hệ thống đường, điện, thủy lợi, nâng cao các biện pháp kỹ thuật canh tác, ban hành lịch thời vụ hợp lý cho từng đối tượng và cho từng vùng nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản để phát huy vai trò trách nhiệm của mọi người và các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tham gia.

 

Tăng cường công tác phòng trị bệnh, hình thành quỹ phòng và xử lý dịch bệnh thủy sản ở các cấp, ngành để chủ động giải quyết khi có dịch bệnh xảy ra… thì phát triển nuôi trồng thủy sản thông qua việc đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng sinh học trong từng vùng nuôi được xem như là một giải pháp vừa rẻ tiền và hiệu quả kinh tế cao, tạo sự ổn định bền vững môi trường lâu dài. Thực tế việc đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài thuộc TX Sông Cầu, thời gian qua đã chứng minh điều đó. Khi tạo ra sự đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản một cách phù hợp cũng đồng thời tạo ra sự cân bằng sinh thái tự nhiên cho môi trường sống của các đối tượng thủy sản. Mặt khác, khi đầu tư đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản thì tất cả đều cho thu nhập và thu hồi chi phí đầu tư trực tiếp qua vụ nuôi đến kỳ thu hoạch, chứ không phải chờ thu hồi giá trị khấu hao như những hình thức đầu tư khác mất thời gian dài và khi gặp rủi ro khó lường. Đó là chưa tính đến khi đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản thì có một số đối tượng có khả năng cải tạo môi trường một cách tự nhiên, như các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như vẹm xanh, tu hài, trai ngọc, sò huyết… hay các loài rong biển như rong sụn, rong câu… có khả năng lọc sinh học trong môi trường nước rất tốt, làm giảm mức độ ô nhiễm hữu cơ ở tầng đáy. Những mô hình này khi triển khai ra thực tế người dân đều dễ thực hiện, không đòi hỏi đầu tư vốn lớn, kỹ thuật lại đơn giản dễ áp dụng. Tùy theo đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng để tổ chức các hình thức đa dạng đối tượng nuôi, trồng cho phù hợp. Chẳng hạn nuôi tôm hùm kết hợp tu hài, vẹm xanh, nuôi tôm hùm kết hợp trồng rong sụn, nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi, tôm sú kết hợp vẹm xanh… hay là trong cùng một vùng sinh thái có thể nuôi nhiều đối tượng khác nhau phù hợp với đặc điểm sinh học của từng đối tượng ở tầng đáy, tầng giữa, hay tầng mặt. Hoặc có thể tạo sự đa dạng sinh học cho một vùng nuôi trồng thủy sản bằng cách bố trí mỗi tiểu vùng nuôi một hoặc hai đối tượng, tiểu vùng này nuôi tôm, còn tiểu vùng kia nuôi cá rô phi hay nuôi vẹm xanh… Hoặc bằng cách xen vụ cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn nuôi một vụ tôm, nuôi một vụ cá rô phi để vừa tăng thu nhập vừa cải tạo môi trường… Bằng những cách làm đó chúng ta có thể tạo sự đa dạng về sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa và hiệu quả kinh tế và đặc biệt là tạo sự cân bằng về mặt sinh thái môi trường.

 

Nếu tạo được sự đa dạng sinh học trong nuôi trồng thủy sản sẽ là một trong những giải pháp cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản rẻ tiền và giúp cho nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

 

NGUYỄN KHẮC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Có thêm thu nhập từ cây sặc
Thứ Hai, 04/07/2011 11:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek