Thấy được lợi ích kinh tế do con tu hài đem lại, hiện ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu), nhiều hộ đang đầu tư phát triển nuôi tu hài thương phẩm. Tu hài đã trở thành đối tượng nuôi mới có triển vọng phát triển rộng rãi, góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi thủy sản ở Phú Yên.
Tu hài được nuôi ở TX Sông Cầu - Ảnh: C.T.V |
Được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ 40% kinh phí, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã phối hợp với địa phương lựa chọn chủ hộ mô hình và huy động người dân đối ứng 60% kinh phí còn lại để triển khai mô hình nuôi tu hài thương phẩm bằng khay lồng tại thôn Vĩnh Hòa (xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu) cho 8 hộ dân tham gia. Mô hình được triển khai thực hiện trong thời gian 10 tháng, với quy mô 1.300 khay, số lượng giống thả nuôi là 39.000 con, cỡ giống 3cm/con, mật độ 30 con/khay. Kết quả đạt 25 con/kg, tỉ lệ sống đạt 92%, sau khi trừ toàn bộ chi phí con giống, vật tư, công chăm sóc, quản lý, mô hình lãi trên 71 triệu đồng, đạt tỉ suất lợi nhuận trên 50% so với toàn bộ chi phí đầu tư.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã tổ chức một lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm, hội thảo trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật cho 35 người dân tại địa phương. Ngoài lợi ích kinh tế, môi trường sinh thái tại khu vực thực hiện mô hình được cải thiện và duy trì sự ổn định, tạo điều kiện cho tôm hùm nuôi ở các bè gần đó chẳng những không phát sinh bệnh mà còn phát triển tốt hơn. Điều này cho thấy, nuôi tu hài thương phẩm đã thực sự cho lợi ích kép.
Để việc nuôi tu hài thương phẩm của bà con mang lại hiệu quả kinh tế cao trong điều kiện thực tế tại Phú Yên, người nuôi cần lưu ý một số vấn đề được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế triển khai thực hiện mô hình nói trên. Đó là, người nuôi phải nắm chắc đặc tính sinh học, sinh sản và kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm, lựa chọn địa điểm, vị trí nuôi thích hợp, vùng nuôi có độ sâu từ 5m nước trở lên, độ mặn từ 28%0 trở lên, độ trong của nước từ 2,5m trở lên, vùng nuôi không có nguồn nước ngọt đổ vào, không bị nguồn nước ô nhiễm xâm nhập. Chọn giống từ cơ sở sản xuất giống có uy tín, đáng tin cậy, giống phải được cơ quan thú y thủy sản kiểm tra đảm bảo yêu cầu chất lượng trước khi thả nuôi. Nên chọn giống cấp 2, có kích cỡ 2,5-3cm/con để rút ngắn thời gian nuôi, tránh rủi ro do thiên tai và giảm thiểu sự hao hụt trong quá trình nuôi, thả giống phải đúng kỹ thuật. Quá trình chăm sóc, quản lý phải định kỳ kiểm tra khay (lồng) từ 1-2 lần/tháng và làm vệ sinh khay (lồng), loại bỏ sun, hà bám vào khay (lồng) và các vật lạ có trong khay (lồng). Loại bỏ xác tu hài bị chết, thay cát đối với những khay (lồng) cát bị đen. Vào mùa mưa lụt, nếu vùng nuôi bị nước ngọt đổ về nhiều làm giảm độ mặn xuống dưới 25%0 thì phải di chuyển khay (lồng) nuôi đến nơi có độ mặn trên 25%0 để đảm bảo an toàn cho tu hài. Thu hoạch tu hài theo nhu cầu thị trường, đúng kích cỡ và đúng thời điểm để có được tu hài thương phẩm giàu dinh dưỡng và bán được giá.
Hiện ở TP Tuy Hòa đã có nhiều cơ sở sản xuất giống tu hài với số lượng lớn và có uy tín, chất lượng, rất thuận tiện cho ngư dân lựa chọn mua giống để thả nuôi. Hơn nữa, tu hài thương phẩm đã có một số thương lái tại địa phương mua đưa đi tiêu thụ ở tỉnh khác và xuất khẩu, một số nhà hàng ở TP Tuy Hòa cũng đã chế biến tu hài thành những món ăn đặc sản. Đây là điều kiện thuận lợi cho người nuôi tu hài thương phẩm trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp cần đẩy mạnh việc sản xuất giống và nuôi tu hài thương phẩm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, góp phần cải tạo môi trường sinh thái đầm, vịnh, làm cho nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
NGUYỄN KHẮC TÂN