Từ giữa tháng 6, trên khắp các hồ nuôi tôm ở đầm Ô Loan, người dân bước vào kỳ thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Ngoài yếu tố môi trường, việc đầu tư con giống, hồ nuôi và tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi đã quyết định sự thành bại của vụ tôm.
Huyện Tuy An hiện có khoảng 536ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, riêng đầm Ô Loan có hơn 300ha. Những năm trước, bà con chủ yếu nuôi tôm sú, nhưng năm nay nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (chiếm ¾ diện tích nuôi toàn đầm), năng suất trung bình 4-5 tấn/ha.
Người nuôi tôm ở đầm Ô Loan (Tuy An) đang chăm sóc tôm- Ảnh: A.NGỌC |
NUÔI HỒ KÍN TRÚNG ĐẬM
Nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan cho biết, nguồn nước trong đầm đang dần ô nhiễm vì rác thải, phế phẩm, nước thải trong quá trình nuôi và chế biến thủy hải sản. Thêm vào đó, thời tiết từ đầu năm đến nay diễn biến thất thường, triều cường và mưa kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm nuôi. Do vậy năm nay, tuy số người nuôi thành công không nhiều, nhưng vẫn có người nuôi trúng lớn nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi tôm, nhất là ở những hồ nuôi kín.
Là một trong những “triệu phú tôm thẻ”, ông Tô Hiển ở thôn Mỹ Phú 1 (xã An Hiệp) hồ hởi khoe: “Vụ vừa rồi, nhà tôi thả nuôi 50 vạn tôm thẻ chân trắng trong 1,4 mẫu (7.000m2), thu được khoảng 7 tấn. Sau khi trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng”. Hơn 10 năm nuôi tôm ở đầm Ô Loan, năm nào ông Hiển cũng “trúng” hoặc huề vốn. Ông cho biết, bí quyết là phải vệ sinh đìa thật kỹ, thả nuôi con giống có chất lượng và nhất là phải nuôi tôm trong hồ kín, đắp bờ cao hơn mặt nước bên ngoài để có thể chủ động điều tiết nước. “Vụ tiếp theo, tôi sẽ mở rộng diện tích thả nuôi 82 vạn con. Hiện tôi đã đầu tư khoảng 60 triệu đồng để cải tạo đìa, mua tôm giống, thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm… Vụ này, tiền công, tiền thức ăn, thuốc men, dầu chạy máy… đều tăng, đội chi phí lên cao hơn so với vụ trước”, ông Hiển nói thêm. Có chung bí quyết nuôi tôm trong hồ kín với ông Tô Hiển, ông Nguyễn Trung Thật và Nguyễn Văn Nên (cùng ở thôn Tân Hòa, xã An Hòa) cũng “trúng đậm” với tiền lãi ròng hơn 500 triệu đồng khi nuôi 1ha tôm thẻ chân trắng ở khu vực đầm Ô Loan.
Theo ông Trần Sáu, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, trong vài năm gần đây, người dân ven đầm chủ động tìm đối tượng nuôi mới là tôm thẻ chân trắng, thời gian nuôi ngắn, ít dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao hơn tôm sú. Người nuôi chú ý đầu tư về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hỗ trợ như máy thổi khí, chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường, thức ăn có chất lượng… Đặc biệt, tại các hồ nuôi kín, tỉ lệ thành công cao và nông dân cũng kiểm soát nguồn nước nuôi tôm tốt hơn.
NUÔI HỒ HỞ CẦU MAY
Ông Phan Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư cho hay, trong vụ tôm vừa rồi, toàn xã thả nuôi 110ha tôm giống, trong đó chỉ có 15ha nuôi hồ kín, còn lại là hồ hở. Đối với hồ kín, người nuôi thường đắp đất xây hồ cao hơn mặt nước ngoài, lót bạt bờ và bạt đáy để tách biệt nước trong và ngoài hồ. Còn với hồ hở, bà con chỉ chất đá, san hô hoặc bao lưới vây tạm thành hồ nên nước ngoài lên tới đâu, nước trong hồ dâng đến đó. Do vậy, tỉ lệ nuôi thành công rất thấp. Hơn 30% tôm nuôi bị dịch bệnh, nông dân mất trắng, chỉ có khoảng 70% cho thu hoạch huề vốn hoặc thu ít lãi.
Vừa trở về sau khi đi thăm hồ nuôi tôm, ông Phan Danh ở thôn Phú Tân 1 (xã An Cư) lắc đầu ngán ngẩm nói: “Vụ trước tôi đầu tư hơn chục triệu để mua tôm giống và thức ăn cho tôm. Do nuôi trong hồ hở, phụ thuộc vào nước triều trong đầm, không chủ động điều tiết nước nên tôm bị sốc khi môi trường thay đổi đột ngột, khiến nhà tôi mất trắng vốn đầu tư. Tôi vừa vay 5 triệu đồng để vệ sinh hồ, diệt cá tạp và thả 10 vạn tôm thẻ chân trắng. Dù biết là cầu may, nhưng tôi không còn cách nào khác”.
Một trong những nguyên nhân khác khiến tình hình nuôi tôm ở đầm Ô Loan trở nên bấp bênh là việc người dân thường chọn thả nuôi con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Hiện giá tôm giống trôi nổi chỉ khoảng 200.000 đồng/vạn, trong khi đó, giá tại các trung tâm tôm giống có kiểm dịch là 730.000 đồng/vạn. Ông Danh cho biết, ông và bà con quanh vùng thường mua con giống ở Gành Đỏ (TX Sông Cầu). “Dù biết là kém chất lượng nhưng đành làm liều thôi”, ông phân trần. Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp Phạm Dương Ân, xã khuyến cáo bà con nên tìm nguồn giống sạch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch để yên tâm hơn khi thả nuôi; đồng thời phải giữ môi trường nuôi sạch, không xả thải bừa bãi. Bên cạnh đó, xã còn chỉ đạo thành lập các tổ nuôi tôm cộng đồng để những người có hồ nuôi hỗ trợ, chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Theo ông Trần Sáu, địa phương chỉ khuyến khích nuôi tôm 1 vụ, thả nuôi từ đầu tháng 3 âm lịch đến tháng 6 thu hoạch. Người dân nên thả tôm nuôi với mật độ vừa phải, khoảng 60 con/m2; giảm diện tích mặt nước nuôi tôm, dành 1/5 diện tích hồ làm ao chứa lắng, xử lý nước theo quy trình khép kín, chủ động nguồn nước, không lấy nước từ môi trường, không xả thải trực tiếp ra đầm, góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Người nuôi cũng cần tăng cường kiểm tra môi trường để kịp thời điều chỉnh nếu xảy ra sự cố. “Để hạn chế thiệt hại từ việc nuôi tôm ở hồ hở, chúng tôi khuyến cáo bà con nuôi theo kiểu đa dạng sinh học, nuôi xen, nuôi luân phiên một số đối tượng mới như cá măng, rau câu, cá rô phi, cua, ghẹ…”, ông Sáu cho biết thêm.
LÊ HẢO