Sau khi xảy ra việc chim cút chết hàng loạt tại khu vực Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa) gây thiệt hại trên 1,5 tỉ đồng, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với các cơ quan liên quan lấy mẫu thức ăn Nupak ở cơ sở ấp nở chim cút Tuấn Thảo của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết để gửi kiểm định hàm lượng asen có trong thức ăn (theo đơn kiến nghị của bà Tuyết) tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Căn cứ kết quả kiểm định, Đoàn thanh tra kết luận: “Chim cút chết hàng loạt là do nguyên nhân khác, không liên quan đến hàm lượng asen có trong thức ăn…”. Còn nguyên nhân nào dẫn đến việc chim cút chết hàng loạt thì cho đến nay vẫn không có cơ sở để kết luận.
Nuôi chim cút ở xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) - Ảnh: T.HƯƠNG
Báo Phú Yên đã có buổi trao đổi với ông Trần Văn Nho, Chánh thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ, Trưởng đoàn kiểm tra, xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, theo chúng tôi được biết, đến lúc này chỉ có duy nhất quy định từ Bộ NN-PTNT về quy chuẩn hàm lượng asen trong thức ăn chăn nuôi cho gà và vịt, còn chim cút thì không được nhắc đến. Như vậy, việc kết luận hàm lượng asen có trong mẫu thức ăn Nupak không vượt quá mức quy định và không phải là nguyên nhân gây chết chim cút tại khu vực Hòa Hiệp có phù hợp không?
- Hiện nay Bộ NN-PTNT có một quy định xác định hàm lượng asen trong thức ăn chăn nuôi dành cho gia cầm, chim cút cũng là một trong số các loài gia cầm. Vậy nên việc áp dụng quy chuẩn hàm lượng asen trong thức ăn chăn nuôi gia cầm cho chim cút là không có gì sai với quy định của Bộ NN-PTNT.
* Được biết mẫu cám Nupak mà đoàn thanh tra lấy từ cơ sở của bà Tuyết để gửi kiểm định không còn thời hạn sử dụng, chắc chắn một số hàm lượng khác có trong thức ăn đã thay đổi. Liệu kết luận đó có tính thuyết phục không, thưa ông?
- Khi một mẫu thức ăn đã quá thời hạn sử dụng thì một số hàm lượng như đạm, nấm meo, nấm mốc… sẽ thay đổi. Riêng các hàm lượng kim loại nặng, trong đó có asen sẽ không thay đổi. Vậy nên kết luận của Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 là hoàn toàn chính xác.
* Sau khi xảy ra sự việc trên, cơ quan thú y kết luận không phải do dịch bệnh, còn công ty cung cấp thức ăn thì khẳng định không phải do thức ăn. Theo ông, đâu là nguyên nhân gây nên việc chim cút chết hàng loạt?
- Khi xảy ra vụ việc, chủ cơ sở Tuấn Thảo không kịp thời báo cáo cho các cơ quan chức năng để các cơ quan lấy mẫu bệnh phẩm khám nghiệm lâm sàng, đồng thời thu mẫu thức ăn ngay tại thời điểm đó để kiểm nghiệm các hàm lượng đạm, nấm meo, nấm mốc… trên cơ sở đó sẽ có điều kiện tìm ra nguyên nhân. Trong trường hợp này, khi đoàn thanh tra nhận được tin báo từ bà Ánh Tuyết thì sự việc đã quá trễ, mẫu thức ăn tại cơ sở đã hết hạn sử dụng, cút chết thì không còn… nên không đủ cơ sở để điều tra.
* Qua vụ việc trên, theo ông, thời gian tới, cần phải có những biện pháp gì trong công tác quản lý để bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi?
- Để nuôi chim cút đạt hiệu quả, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc lựa chọn thức ăn cho cút, mẫu thức ăn được chọn cần phải đạt được những yêu cầu tối thiểu về hàm lượng theo quy định. Khi nhân rộng chăn nuôi với số lượng lớn thì con giống cần phải được kiểm tra đã sạch bệnh chưa, đơn vị cung cấp con giống phải được cơ quan chức năng kiểm tra chứng nhận về điều kiện chuồng trại chăn nuôi, về chất lượng con giống… Ngành Khoa học - Công nghệ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra các mẫu hàng hóa lưu thông trên thị trường, trong đó có thức ăn chăn nuôi. Theo định kỳ mỗi năm sẽ có hai đợt thanh kiểm tra, nhưng khi có những trường hợp đặc biệt thì sẽ tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất…, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan siết chặt công tác quản lý việc ấp nở, cung cấp giống cho người chăn nuôi để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho nông dân.
* Xin cảm ơn ông!
HƯƠNG BIẾT (thực hiện)