Sở NN-PTNT Phú Yên chỉ đạo các địa phương tập trung xuống giống vụ hè thu đúng lịch thời vụ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đối với năng suất lúa. Tuy nhiên, vừa mới gieo sạ thì đã có một số diện tích lúa bị ngập úng do mưa.
Nông dân huyện Đồng Xuân tát nước từ ruộng trũng ra ngoài để sạ lúa. - Ảnh: H.NAM
Để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đối với năng suất lúa hè thu, Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương gieo sạ tập trung từ ngày 20/5-10/6; tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, bố trí thời điểm gieo sạ sao cho lúa trổ tập trung sau tiết Lập thu (8/8), thu hoạch dứt điểm trước 20/9. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố xác định khung thời vụ lúa trổ, chỉ đạo bố trí lịch thời vụ xuống giống theo vùng cho phù hợp; ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày, cứng cây, kháng rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh khô vằn; bố trí cơ cấu giống hợp lý, khẩn trương xuống giống, không kéo dài thời vụ để tránh ngập lụt vào cuối vụ. Vì thế, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố “thúc” ngành Nông nghiệp địa phương vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ hè thu nhằm đảm bảo lịch thời vụ chung của tỉnh, tuy nhiên ngay đầu vụ đã gặp phải thời tiết bất lợi làm hạn chế tiến độ gieo sạ.
Xã An Định (huyện Tuy An) có gần 30ha lúa hè thu vừa gieo sạ bị những cơn mưa liên tiếp hồi cuối tháng 5 làm ngập úng. Nông dân Trần Duy Tân ở xã An Định nói: “Mới sạ xong, bưng thúng về đến nhà thì trời làm giông, tưởng đâu mưa một chiều rồi dứt, nào ngờ ập xuống mấy chiều liền. Ruộng nhà tôi cạnh suối Cầu Cây Cam, nước tràn vào lênh láng, ba ngày sau nước mới rút. Rất may là mầm lúa chưa ra lá, nếu ra lá non thì sẽ bị lũng thối”.
Dọc tuyến ĐT641 đoạn qua thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), nông dân bừa kéo láng, chưa kịp gieo sạ thì gặp mưa, chờ nước rút mới gieo sạ được. Nhiều người đem giống lúa ra đến ruộng, thấy trời nổi giông đành gánh về. Chờ 3 ngày, ruộng rút nước thì lớp bùn trên bề mặt ruộng chai cứng, phải bỏ công làm đất lại.
Thông thường, vụ hè thu hằng năm, nông dân huyện Phú Hòa tập trung xuống giống dứt điểm trước mùng 5 tháng 5 âm lịch. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, gieo sạ vào thời điểm này thì đến khi thu hoạch tránh tiết trời tháng 9, trời mưa dầm, bởi ở địa phương này có nhiều ruộng trũng, nếu úng nước lúa dễ đổ ngã dẫn đến giảm năng suất. Tuy nhiên, thời tiết vừa qua diễn biến khó lường. Ông Phạm Tấn Thơ, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho hay: “Mưa to, nhiều nông dân hoãn lại thời gian gieo sạ. Có người ngâm ủ giống nảy mầm nhưng đành phơi giống. Sau khi trời nắng, nông dân khẩn trương gieo sạ, tiến độ chậm hơn so với các năm”.
Tình hình chậm xuống giống vụ hè thu còn xảy ra ở một số địa phương thuộc TP Tuy Hòa. Cánh đồng Lòng Bàu của HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2 đến nay chưa gieo sạ được vì nước đập Đồng Cam chưa về. Đây là cánh đồng trũng, hằng năm nông dân sạ sớm để tránh tình trạng nước ở các chân ruộng cao bao quanh đổ dồn xuống. Ông Nguyễn Đồng Minh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2 giải thích: “Sở dĩ năm nay bà con xuống giống chậm là do đơn vị thi công vừa làm xong cống Bụi Tre 1 và cống Bà Lụa. Nước từ đập Đồng
Khó khăn nhất trong vụ hè thu này đối với nông dân xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) là tình trạng thiếu giống, nhất là giống lúa thuần. Vụ đông xuân vừa qua, hàng trăm hécta lúa ở thôn Tân Đạo, Vĩnh Xuân trong thời kỳ trổ bông thì bị ngập úng, do nước từ thượng nguồn sông Bánh Lái đổ về, cộng với thủy triều từ ngoài biển dâng lên làm nước sông lấn sâu vào các cánh đồng, ngập toàn bộ diện tích lúa ở vùng trũng.
Một khó khăn nữa cần quan tâm, đó là tình trạng khô hạn có thể xảy ra vào tháng 7, khi nước vùng hạ du sông Ba sẽ giảm mạnh, không đủ cung cấp cho các trạm bơm điện. Do vậy, Sở NN-PTNT yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam cần duy tu bảo dưỡng thiết bị các trạm bơm tưới đảm bảo chất lượng, nhất là các trạm bơm chuyền, không để xảy ra hạn cục bộ. Vùng nào không đủ nước tưới nên mạnh dạn chuyển sang trồng cây màu chịu hạn.
MẠNH HOÀI