Thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công quốc gia trong đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại Phú Yên đã lần lượt “gỡ khó” cho nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ðiều này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho công nhân.
Thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, ngành Công Thương Phú Yên “gỡ khó” cho nhiều doanh nghiệp. - Ảnh: A. BANG
Với dân số 870.000 người, Phú Yên còn hơn 40.000 thanh niên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. Tuy nhiên, hầu hết thanh niên đều làm nông, việc thu hút họ vào làm công nhân của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn do chưa có tay nghề và tác phong công nghiệp. Trong khi, các chủ doanh nghiệp đều thống nhất muốn phát triển được công nghiệp, trước tiên phải có nguồn nhân lực công nghiệp. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp may và chế biến thủy sản đã có những đóng góp quan trọng cho tỉ trọng công nghiệp tỉnh và cần một nguồn nhân lực lên đến hàng ngàn người. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn luôn trong tình trạng “khát” lao động phổ thông lẫn lao động lành nghề.
Vài năm gần đây, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại Phú Yên (thuộc Sở Công Thương) liên tiếp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Riêng lĩnh vực may công nghiệp, trong hai năm 2009 và 2010, trung tâm đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho 1.300 lao động. Đợt 1/2011, trung tâm cũng tiếp tục khai giảng 6 khóa đào tạo nghề may cho 1.000 học viên, với tổng kinh phí thực hiện đề án 6,8 tỉ đồng. Trung tâm đã phối hợp và đào tạo nghề cho các đơn vị may công nghiệp lớn của tỉnh, chuyên sản xuất hàng xuất khẩu như: Công ty cổ phần An Hưng, Công ty TNHH May mặc Hoàng Gia Đăng, Công ty TNHH May xuất khẩu CAVINA, Doanh nghiệp tư nhân Trinh Vy, Doanh nghiệp tư nhân Phúc Phong và Doanh nghiệp tư nhân May mặc Hưng Khánh, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành may công nghiệp. Trước tình hình “khát” nguồn lao động có tay nghề của các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu, năm nay, trung tâm cũng lập đề án đào tạo và phối hợp khai giảng nhiều lớp đào tạo nghề chế biến thủy sản cho 500 lao động tại các công ty: TNHH Thủy sản Phú Yên và TNHH Nguyễn Hưng, sắp tới sẽ tiếp tục đào tạo cho một đơn vị tại TP Tuy Hòa.
Một trong những công ty được hưởng lợi từ hoạt động khuyến công là Công ty cổ phần An Hưng, được trung tâm đào tạo hơn 1.500 lao động. Ông Bùi Xuân Khương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An Hưng, bày tỏ: “Sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại Phú Yên thực sự đã gỡ khó cho chúng tôi rất nhiều, giải quyết được tình trạng thâm hụt lao động diễn ra thường xuyên thời gian qua”. Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng (chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu), cho biết: “Với hình thức đào tạo vừa học vừa làm, học viên đã được tiếp cận công việc ngay tại phân xưởng nên thuận lợi cho việc tiếp nhận vào công ty sau đào tạo. Khi có nguồn nhân lực lành nghề bổ sung, các doanh nghiệp giải quyết được khó khăn trong quá trình mở rộng sản xuất, thực hiện các hợp đồng với đối tác. Đây thực sự là cách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của hoạt động khuyến công tỉnh”.
Hầu hết các học viên đều xem đây là một cơ hội để được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới, thiết bị máy móc giúp tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm cho công ty. Theo các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động này, nguồn lao động được đào tạo cho doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt trong thời gian tới, khi doanh nghiệp tuyển thêm lao động phục vụ mở rộng sản xuất.
Bà Tô Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, cho rằng: “Hoạt động đào tạo nghề cho lao động của Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại trong vài năm gần đây đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động trong tỉnh. Nhờ lực lượng lao động qua đào tạo, các đơn hàng Phú Yên đã được xuất khẩu ổn định hơn sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc”.
AN BANG