Thứ Tư, 27/11/2024 05:24 SA
Sản xuất vụ hè thu tại huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân:
Chủ động chống hạn
Thứ Bảy, 28/05/2011 09:00 SA

Những ngày qua, tại các huyện miền núi  trong tỉnh đã có mưa, phần nào giải được “cơn khát” nước của các loại cây trồng. Tuy nhiên, không vì thế mà các địa phương lơ là công tác chống hạn, bởi theo dự báo tình trạng khô hạn vẫn còn diễn biến phức tạp. 

 

mia110528.gif

Nông dân huyện Sơn Hòa chăm sóc mía sau cơn mưa tiểu mãn  - Ảnh: P.NAM

 

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện mực nước các sông cao hơn trung bình nhiều năm. Riêng nước hồ chứa Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ ở mức thấp, khoảng 100m (cao trình là 105m). Nước sông Ba cũng ở mức thấp so với cùng kỳ. Dự báo, mùa khô năm nay, lượng mưa phổ biến đạt thấp so với mọi năm. 

Niên vụ 2010-2011, huyện Sơn Hòa có trên 8.500ha mía, hiện đã thu hoạch trên 90% diện tích, dự kiến số diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm đầu tháng 6 tới. Đến thời điểm này, nông dân huyện Sơn Hòa đã trồng lại trên diện tích mía cũ trên 1.000ha và trồng mới khoảng 460ha, đưa tổng diện tích mía của huyện lên trên 8.900ha. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài trong thời gian qua đã khiến nhiều diện tích mía của địa phương này bị vàng lá và có nguy cơ chết. Ông Phan Thế Lựu, Chủ tịch UBND xã Suối Bạc cho biết: “Diện tích mía bị khô héo tập trung tại các thôn Phú Hữu, Tân Phú, Tân An, Tân Thành. Ngoài ra, nắng nóng cũng làm hàng chục hécta mè đang trong giai đoạn trổ bông, gieo muộn bị khô đọt”.

 

Mấy ngày qua, địa bàn huyện Sơn Hòa đã có mưa, giúp phần lớn diện tích mía, mè hồi sinh trở lại sau đợt nắng nóng. Tuy nhiên, địa phương này vẫn triển khai các phương án chống nắng hạn. Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: “Hiện tại, thời tiết có dịu đi do có mưa tiểu mãn, song trước tình hình nắng nóng được dự báo sẽ còn tiếp diễn phức tạp trong mùa khô năm nay, nên huyện đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, đánh giá trữ lượng nguồn nước để phục vụ tưới cho lúa hè thu; đồng thời tu bổ, nạo vét kênh mương, chủ động việc điều tiết, tiết kiệm nguồn nước nhằm không để xảy ra khô hạn cục bộ; chủ động khắc phục sự cố máy móc tại các trạm bơm”. Ngoài ra, huyện Sơn Hòa cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan và các xã, thị trấn vận động nông dân chỉ sản xuất lúa hè thu trên những diện tích đảm bảo nguồn nước tưới suốt vụ, phần diện tích không đủ nước chuyển sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn như bắp lai, cây họ đậu... Phối hợp với Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ có kế hoạch điều tiết nước trên sông Ba, đảm bảo đủ lượng nước cho các trạm bơm điện hoạt động trong suốt mùa vụ. Các khu vực chủ động được nguồn nước tưới nên trồng mía rải vụ để đạt năng suất, sản lượng cao, hạ giá thành sản phẩm để ổn định cuộc sống cho nông dân và phục vụ công nghiệp chế biến trên địa bàn huyện.

 

Còn tại huyện miền núi Đồng Xuân, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch vụ mía 2010-2011, năng suất đạt trên 54 tấn/ha, giảm 4 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết nguyên nhân năng suất mía giảm là do giá sắn tăng cao, nông dân đua nhau mở rộng diện tích nên việc chăm sóc cho cây mía bị hạn chế. So với cây mía, cây sắn cho thu nhập cao hơn 5 - 7 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí. Hiện tại, nông dân huyện Đồng Xuân cũng đã trồng mới và trồng lại được 2.600ha mía/3.300ha theo kế hoạch. Trong số 520ha mía trồng mới, có khoảng 30ha bị khô héo. Đối với cây sắn, địa phương này đã trồng 3.700ha và cũng đang bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài, tuy những ngày qua đã có mưa nhỏ cục bộ ở một số nơi trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Ông Nguyễn Văn Tri cho biết thêm, hiện một số trạm bơm điện như Đồng Bé, Chợ Lùng (xã Xuân Quang 3); Vực Bà Thắm (xã Xuân Sơn Nam) phục vụ tưới cho gần 80ha lúa hè thu mới gieo sạ đã bị hụt nước khoảng 30cm. Để chống hạn, các xã đã chỉ đạo lực lượng làm công tác thủy lợi khơi dòng, đào hố tích nước phục vụ tưới tạm thời. Thời gian tới, nếu không có mưa tiểu mãn thì nguy cơ thiếu nước tưới sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến năng suất của vụ hè thu. Hiện, ngành NN-PTNT huyện Đồng Xuân đang xây dựng phương án chủ động chống hạn. Khi cần thiết sẽ huy động khoảng 30 máy bơm dầu của các hợp tác xã để bơm nước chống hạn; đồng thời nạo vét bể hút tại các trạm bơm điện, đóng nọc tre hướng dòng và tu sửa kênh mương… với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Chí Trọng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước sông, suối, ao hồ, đập, nước ngầm; sửa chữa các công trình thủy lợi… nhằm vận hành thông suốt trong toàn hệ thống, không để xảy ra sự cố. Khoanh vùng những diện tích có khả năng bị hạn và những diện tích không đủ nguồn nước để chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn. Lập kế hoạch gieo sạ lúa hè thu phải gắn với nguồn nước, kế hoạch phân phối nước, tận dụng nguồn nước từ công trình thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ để cung cấp nước kịp thời; đảm bảo cung cấp điện cho bơm tưới phục vụ chống hạn…

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ðàn heo của tỉnh giảm hơn 5%
Thứ Bảy, 28/05/2011 10:00 SA
Chưa đảm bảo an toàn
Thứ Bảy, 28/05/2011 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek