Với hàng chục ngàn tấn đường tồn kho, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong tỉnh không những bị thiệt do giá đường giảm mạnh mà còn thiếu vốn để tái đầu tư cho vùng nguyên liệu nhằm chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo.
Đường đang tồn kho tại Nhà máy đường Tuy Hòa - Ảnh: N.TRƯỞNG |
ÐƯỜNG TỒN KHO LỚN
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, nhờ diện tích mía tăng gần 1.800 ha, năng suất mía tăng hơn 20% nên năm nay sản lượng mía toàn tỉnh đạt gần 1,1 triệu tấn mía cây, tăng gần 200.000 tấn so với vụ trước. Từ đầu vụ ép 2010- 2011 đến nay, các doanh nghiệp mía đường trên địa tỉnh đã thu mua, chế biến xấp xỉ 800.000 tấn mía nguyên liệu, sản xuất hơn 67.600 tấn đường, đã vượt sản lượng đường sản xuất của năm 2010.
Vụ ép 2010- 2011, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đề ra mục tiêu thu mua 180.000 tấn mía cây, sản xuất 16.900 tấn đường. Đến thời điểm này, công ty đã thu mía nguyên liệu đạt kế hoạch nhưng sản lượng đường sản xuất chỉ đạt 15.600 tấn và đang tồn kho hơn 6.500 tấn đường. Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, Nguyễn Xuân Tiên giải bày: Do nguồn vốn có hạn, nên sản xuất đến đâu, chúng tôi tiêu thụ sản phẩm đến đấy để vay vòng đồng vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, thế nhưng từ gần 2 tháng này lượng đường sản xuất không thể tiêu thụ được.
Giám đốc Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, việc tiêu thụ đường của công ty mình còn “may mắn” hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Vì lượng đường tồn kho của công ty không quá lớn và đã bán được phần lớn lượng đường sản xuất với giá 17 - 18 triệu đồng/tấn, còn nếu bán vào thời điểm này sẽ chỉ còn 16,5 triệu đồng/tấn nhưng chưa chắc đã bán được.
Thật vậy, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP VIL) đang tồn kho gần 34.000 tấn đường, trong số hơn 52.000 tấn do công ty sản xuất từ đầu vụ ép 2010-2011 đến nay. Đường do công ty sản xuất chủ yếu là đường tinh luyện cao cấp RE phục vụ cho công nghiệp chế biến thực phẩm. Mặc dù đã được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, bánh kẹo trong nước nhưng vừa qua các doanh nghiệp này được phép nhập khẩu đường nên “tạm dừng” nhận đường của KCP VIL.
Tổng giám đốc KCP VIL, R.Subbaiah cho rằng: Tình trạng tiêu thụ đường đang gặp khó khăn có nguyên do, lượng đường sản xuất trong nước tăng mạnh trong niên vụ này nhưng còn có nguyên nhân từ sự điều hành của Nhà nước. Cuối năm 2010, giá đường trong nước tăng cao, Nhà nước cho rằng lượng đường sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên chủ trương cho nhập đường để bình ổn giá cả thị trường. Nhưng trên thực tế, trong niên vụ này, sản xuất đường trong nước tăng mạnh dẫn đến thừa đường. Khi giá đường trong nước giảm thì đường nhập lậu lại tràn vào. Mới đây, Bộ Công Thương đã cho giãn tiến độ nhập khẩu đường. Điều này cho thấy công tác dự báo của Việt
THIẾU VỐN CHO TÁI SẢN XUẤT
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ sản xuất đường năm nay trúng mùa, cả nước sản xuất được 1,1 triệu tấn đường, cao hơn những năm trước khoảng 200.000 tấn. Doanh nghiệp sản xuất mía đường đang tồn kho khoảng hơn 500.000 tấn đường. Hiện giá đường trắng mà các nhà máy bán ra đang ở mức 16.000-17.000 đồng/kg. Giá bán này đang thấp hơn khoảng 1.000-1.500 đồng/kg so với cách đây không lâu.
Với tình hình lãi suất cao hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều “đau đầu” về vốn thì đối với doanh nghiệp mía đường càng thêm khó khăn do chôn vốn vào lượng đường tồn kho. Trước mắt, các doanh nghiệp mía đường phải lo “chạy” vốn để mua mía nguyên liệu cho vụ sản xuất này. Như đối với Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, trong vùng nguyên liệu còn gần 750ha với sản lượng khoảng 40.000 tấn chờ thu hoạch. Dự kiến nhà máy sẽ kéo dài thời gian hoạt động đến cuối tháng 6 mới kết thúc vụ ép 2010-2011 để bảo đảm việc tiêu thụ hết mía nguyên liệu cho nông dân như chỉ đạo của UBND tỉnh. Nghĩa là trong thời gian ấy, công ty phải có nguồn vốn khoảng 36 tỉ đồng để trả tiền mua mía của nông dân. Giám đốc Nguyễn Xuân Tiên bảo: So với đầu, giá đường giảm 2 triệu đồng/tấn, nay còn tiếp tục giảm, nhưng giá mua mía nguyên liệu cho bà con vẫn giữ nguyên như đầu vụ (900.000-950.000 đồng/tấn tại ruộng) nên chúng tôi bị thiệt hại “kép”.
Trong khi đó, công ty lại phải lo vốn cho việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chuẩn bị cho sụ sản xuất tiếp theo. Giám đốc Nguyễn Xuân Tiên giải bày: “Vụ này chúng tôi đã ký hợp đồng với nông dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy để trồng mới 2.000ha mía và chăm sóc 3.500ha mía lưu gốc với vốn đầu tư khoảng 80 tỉ đồng. Đến thời điểm này đã đưa cho nông dân gần 15 tỉ đồng, bước đầu trồng mới được 1.100ha. Không thể trông chờ thu hồi vốn từ việc tiêu thụ đường đang khó khăn như hiện nay, buộc chúng tôi phải vay vốn ngân hàng chịu lãi suất trên 20%/năm để thực hiện các hợp đầu đầu tư đã ký với người trồng mía nên sẽ càng thêm khó khăn cho doanh nghiệp chúng tôi. Đó là chưa kể nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp nhà máy lên 1.700-2.000 tấn/ngày chuẩn bị cho vụ sản xuất 2011-2012”.
Còn đối với KCP VIL, để có đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy có tổng công suất 6.000 tấn/ngày hoạt động, mỗi ngày phải trả tiền mua mía cho nông dân hơn 5 tỉ đồng. Đây là sức ép không nhỏ đối với doanh nghiệp nếu không trường vốn. Tổng giám đốc R.Subbaiah cho biết: Do bị “chôn” vốn trong đường tồn kho quá lớn, trị giá không dưới 600 tỉ đồng, công ty phải vay của các ngân hàng thương mại 200 tỉ đồng chịu lãi suất 20%/năm để thanh toán tiền mua mía cho nông dân. Ngoài ra, với vùng nguyên liệu 13.000ha, trong niên vụ này cũng đã có kế hoạch đầu tư 180 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh, tăng năng suất mía. Vì vậy, việc tiêu thụ đường gặp khó khăn đang ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đầu tư đó và nếu không tìm được nguồn vốn kịp thời sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình sản xuất vụ sau của KCP VIL.
NGUYÊN TRƯỜNG