Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km, Ghềnh Ráng đẹp như tên gọi của nó: Ghềnh Ráng – Tiên Sa.
Bãi Trứng trong cụm thắng cảnh Ghềnh Ráng - Ảnh: T.QUỚI |
Người dân nơi đây vẫn còn lưu truyền sự tích về điểm du lịch đặc biệt này. Ngày xưa, một gia đình nọ có người con gái đẹp, nết na thùy mị nổi tiếng. Cô và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Những đêm trăng sáng, dưới bóng dừa bên bờ Lại Giang, đôi bên đã nặng lời thề ước.
Nhưng rồi sắc đẹp của cô đã làm viên quan huyện là người cùng làng mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng. Bằng thủ đoạn gian xảo và quyền lực, y bắt người con trai đi lính nơi biên ải đồng thời ra lệnh buộc nàng phải nộp đủ mười cân yến sào trong vòng một tháng, không đúng hạn sẽ phải lấy y. Người con gái không quản hiểm nguy quyết chí vượt biển ra đảo tìm tổ yến. Ðúng lúc đó người con trai trở về, tìm lại người yêu. Vì người yêu, chàng đã thay nàng ra đảo tìm tổ yến. Ðến thời hạn nộp yến mà bóng chàng vẫn biền biệt. Vì tình yêu, nàng đành bỏ trốn. Hay chuyện, viên quan cho lính đuổi theo. Người con gái chạy đến Ghềnh Ráng, bỗng trời nổi cơn giông tố, gió cuốn ào ào, mưa bay mù mịt, sấm chớp đùng đùng. Bỗng nhiên núi nứt ra một khe lớn, nàng vụt chạy vào đó rồi biến mất. Khi giông tan, trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn trên sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Chàng trai tìm đủ số yến trên đường trở về cũng gặp giông bão, bị sóng biển đánh dạt vào Ghềnh Ráng. Khi tỉnh lại, chàng bỗng thấy bóng người yêu lúc hiện, lúc ẩn, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Ghềnh Ráng trở thành nơi đoàn tụ của đôi uyên ương. Họ đã phải thoát tục thành tiên mới đến được với nhau. Có lẽ từ sự tích đó mà dân gian thường gọi vùng này bằng cái tên ghép Ghềnh Ráng - Tiên Sa.
Từ đỉnh Ghềnh Ráng có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía nam như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những dãy núi xanh dựng thành từng lớp, nơi cao, nơi thấp chạy dọc ven biển đến tận Quy Hòa. Dọc con đường uốn lượn theo triền núi, du khách có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kỳ dị, có bức trông như đầu con sư tử, có bức giống hình mặt người, có trụ đá hình dáng như người vợ ngóng chồng được mệnh danh là đá Vọng Phu.
Ở đây còn có một bãi rộng chừng hơn 100 m2 la liệt đá xanh, trắng hình tròn, nhẵn như những quả trứng. Vì vậy mà bãi đá này có tên gọi là Bãi Trứng. Tương truyền nơi đây chính là bãi tắm của Hoàng hậu Nam Phương mỗi khi vua Bảo Đại vào Quy Nhơn.
Ghềnh Ráng càng nổi danh hơn bởi cụm mộ cải táng thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển, là nơi mà ai ai dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm. Ðó không chỉ đơn thuần là một ngôi mộ mà hơn thế nữa, là nơi tưởng niệm một danh nhân - thi sĩ tài danh.
QUỲNH MAI