Thứ Năm, 03/10/2024 01:27 SA
Lợi dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để khai thác rừng trái phép
Bài 2: Giải pháp nào để khắc phục?
Thứ Sáu, 13/05/2011 14:00 CH

Việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép tại các huyện miền núi ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều nơi có nguy cơ trở thành điểm “nóng”. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã phối hợp, truy quét, ngăn chặn, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa khả quan.

 

tan-thinh110513.jpg

Xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Tân Thịnh tại buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. - Ảnh: P.NAM

 

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, tính đến thời điểm này trên địa bàn hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh có hơn 100 cơ sở chế biến gỗ, trong đó 40 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phan Văn Công cho biết, phần lớn các cơ sở trên nằm gần rừng và khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và Gia Lai, nguồn gỗ kinh doanh không ổn định, chủ xưởng thường lén lút tổ chức các hoạt động mua bán, chế biến gỗ và mua bán quay vòng hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa nguồn gỗ trái phép. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì họ cố tình trốn tránh hoặc viện lý do trì hoãn kéo dài thời gian, gây khó khăn trong phát hiện và xử lý sai phạm.

 

Ông Nguyễn Đồng Tây, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, sở đang phối hợp với các ngành liên quan và địa phương kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật sau đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp là Công ty TNHH Ngân Kim Long; Công ty TNHH Long Lân; Công ty TNHH Tân Thịnh và Doanh nghiệp tư nhân Tư Thạnh.

Huyện Sơn Hòa, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp gần 55.000ha, chiếm hơn 57% diện tích tự nhiên. Địa bàn này có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ được cấp phép, là Công ty TNHH Tân Thịnh, Công ty TNHH Ngân Kim Long, Công ty TNHH Tư Thạnh (cả 3 doanh nghiệp này đều có trụ sở chính đóng tại địa bàn buôn Thu, xã Krông Pa) và Công ty TNHH Long Lân (trụ sở chính tại buôn Ma Giấy, xã Phước Tân). Đây là những địa bàn có rừng đầu nguồn và rừng đặc dụng, không có quy hoạch khai thác, chế biến lâm sản, là khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận, đồng thời là những địa điểm “nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển, cất giấu, mua bán lâm sản trái phép từ nhiều năm qua. UBND huyện Sơn Hòa cho biết, các doanh nghiệp trên không có vị trí làm việc cố định, cơ sở vật chất tạm bợ; đất sử dụng làm kho, xưởng chế biến không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện; không làm các thủ tục thuê đất và đầu tư xây dựng cơ sở… Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp này không thể hiện rõ thiện chí trong sản xuất kinh doanh lâu dài.

 

Thời gian qua, huyện Sơn Hòa đã liên tục tổ chức truy quét, nhưng tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng vẫn không giảm, thậm chí có nơi còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở rừng giáp ranh với tỉnh Gia Lai, nơi các doanh nghiệp chế biến gỗ hoạt động. Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, cho biết đã liên tục phối hợp với các địa phương, ngành liên quan và các chủ rừng kiểm tra, giám sát tình hình khai thác, nghiệm thu, xác nhận khối lượng lâm sản khai thác theo giấy phép được cấp, tăng cường kiểm tra ngăn chặn nạn vận chuyển, chế biến, nhưng tình trạng vi phạm luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2010 đã xảy ra 102 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giấu lâm sản trái phép chiếm 68 vụ. Hiện ngành đang tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác lâm sản theo giấy phép của các cơ sở chế biến, gia công lâm sản, khai thác gỗ, gốc cây cảnh tại các khu vực rừng trọng điểm và trên các trục giao thông. Theo văn bản số 83, ngày 7/3/2011 Huyện ủy Sơn Hòa gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến lâm sản do Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép trên địa bàn đã không làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Qua phản ánh của nhân dân, có doanh nghiệp lợi dụng giấy phép kinh doanh để mua bán cây cảnh, sản xuất, chế biến, trung chuyển gỗ… gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, quản lý, bảo vệ rừng.

 

 Theo quan điểm của các địa phương, Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm điều chỉnh, rút bỏ một số nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trên như: mua bán gỗ cây và gỗ chế biến, mua bán cây cảnh, bán buôn động vật sống. Vị trí đặt trụ sở và việc cấp phép cho các doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận của UBND huyện, nhất là các địa bàn giáp ranh với tỉnh Gia Lai và rừng đặc dụng Krông Trai. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho huyện kiểm soát được công tác quản lý bảo vệ rừng và làm tròn chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

 

lan-trai110513.jpg

Lâm tặc che lán trại ăn ở gần khu vực sông Cà Lúi, địa bàn buôn Thu, xã Krông Pa chờ mua bán, vận chuyển gỗ lậu. - Ảnh: P.NAM

 

Ban cán sự UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mua bán gỗ cây, cây cảnh, sản xuất chế biến gỗ, làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng tự nhiên và điều chỉnh giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp có liên quan.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 1.500 vụ vi phạm lâm luật. Riêng trong quý 1 năm 2011 có gần 400 vụ vi phạm, trong đó khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép chiếm 232 vụ. Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết những hành vi kinh doanh, chế biến gỗ có nguồn gốc trái phép, không đúng địa điểm hoặc sai nội dung giấy phép đã đi ngược với nội dung các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN - PTNT và UBND tỉnh về triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR. Kiểm lâm tỉnh cũng đã đề nghị các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an, Quản lý thị trường, Thuế, Tài chính - Kế hoạch, chính quyền cơ sở và hạt kiểm lâm để kiểm tra và lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý, đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh mua bán, chế biến gỗ, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép. Ông Công cho biết thêm, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa đã tham mưu cho UBND tỉnh ra nhiều quyết định xử phạt hành chính các doanh nghiệp trên. Trong đó có Công ty TNHH Tân Thịnh (trụ sở tại buôn Thu, xã Krông Pa) do ông Phạm Công Diễn làm giám đốc và Công ty TNHH Ngân Kim Long (trụ sở tại buôn Gao, xã Ea Lâm, Sông Hinh và buôn Thu, xã Krông Pa, Sơn Hòa) do ông Vương Tấn Sơn làm giám đốc, mỗi doanh nghiệp bị phạt 50 triệu đồng vì có hành vi vi phạm trong mua, bán lâm sản trái với quy định của Nhà nước. Ông Nguyễn Hải Sơn, ở thôn Đồng Tranh (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng vì hành vi vận chuyển lâm sản trái phép và nhiều tổ chức, cá nhân khác do có hành vi kinh doanh, mua bán, cưa xẻ gỗ có nguồn gốc trái phép như trên.

  

PHƯƠNG NAM - XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek