Thứ Năm, 03/10/2024 01:22 SA
Lợi dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để khai thác rừng trái phép
Bài 1: Xưởng gỗ mọc ngay bìa rừng
Thứ Năm, 12/05/2011 14:00 CH

Trong khi các ngành chức năng và chính quyền địa phương nỗ lực triển khai các giải pháp bảo vệ rừng, tuyên truyền, vận động người dân không sinh sống, sản xuất ven rừng, thì việc cấp giấy chứng nhận ÐKKD cho các doanh nghiệp chế biến lâm sản tại các địa bàn nhạy cảm, vô tình tạo cơ hội cho lâm tặc phá rừng.

 

go2110512.jpg

Một lán trại của lâm tặc ngay bên bờ sông Cà Lúi, thuộc địa bàn buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa - Ảnh: P.NAM

 

LỢI DỤNG GIẤY PHÉP

 

Thời gian gần đây, dư luận thật sự ngỡ ngàng và bất bình vì hàng loạt các xưởng chế biến gỗ bỗng dưng xuất hiện ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, gần rừng tự nhiên và giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ cuối năm 2009 đến nay, có thêm gần 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, có “trụ sở” đặt tại địa bàn các buôn Ma Giấy (xã Phước Tân), buôn Thu (xã Krông Pa) thuộc huyện Sơn Hòa; buôn Gao (xã Ea Lâm), buôn Kít (xã Sông Hinh) thuộc huyện Sông Hinh. Riêng địa bàn buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa có tới 3 cơ sở, với 3 chủ doanh nghiệp khác nhau. Đáng chú ý là phần lớn các xưởng chế biến được bố trí nằm gần khu vực có rừng, một số nằm ngay tại cửa rừng. Ngành nghề được cấp giấy chứng nhận ĐKKD khá “đa dạng và phong phú” như: Cưa xẻ, sản xuất chế biến gỗ xây dựng, nội thất, mua bán nông lâm sản: hoa, cây xanh, cây cảnh, trồng rừng, kinh doanh du lịch, khai thác vật liệu xây dựng, giao thông, thủy lợi, phân bón, vận tải, mua bán máy móc thiết bị và phụ tùng… Việc cấp phép cho các doanh nghiệp này hoạt động các ngành nghề trên đã vô tình tiếp tay cho việc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.

 

Lợi dụng giấy chứng nhận ĐKKD, có các danh mục mua bán, chế biến gỗ, cây cảnh ngay tại cửa rừng và những khu vực thường xảy ra tình trạng phá rừng, các doanh nghiệp tổ chức khai thác, chế biến lâm sản, đồng thời tiếp tay cho lâm tặc và các đối tượng nhàn rỗi vào rừng chặt gỗ kiếm kế sinh nhai, khiến cho chính quyền địa phương và ngành chức năng không thể kiểm soát. Vì gỗ lậu sau khi thu gom, được xẻ ra thành phẩm trước khi tuôn ra thị trường nên khó có thể xác định nguồn gốc xuất xứ. Ông Sô Minh Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa lo lắng: “Sự tồn tại các cơ sở chế biến gỗ không đem lại quyền lợi gì cho dân, thậm chí còn gây tác động xấu như gây tiếng ồn, bụi, tạo cơ hội cho nhiều người tham gia hoạt động phá rừng tại chỗ và tập kết gỗ lậu từ các địa bàn lân cận về các xưởng chế biến”.

 

KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ

 

Trên thực tế, hầu hết các địa phương chỉ cấp phép các cơ sở chế biến mộc dân dụng mang tính chất hộ gia đình. Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, địa phương hiện có 48 xưởng xẻ, mộc, tiện đang hoạt động, trong đó có 5 cơ sở chế biến gỗ và mộc dân dụng do tỉnh cấp phép. Riêng địa bàn xã Sông Hinh có 2 cơ sở đặt tại thôn Hòa Sơn và 2A. Ông Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết: “Trong hai cơ sở chế biến gỗ do tỉnh cấp phép, một cơ sở đang hoạt động cầm chừng, một hoạt động liên tục. Cuối năm 2010, địa phương phát hiện một cơ sở ở thôn Hòa Sơn có dấu hiệu vi phạm và báo cho các ngành chức năng. Sau đó cơ sở này bị lập biên bản do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ gỗ nhập về”. Ông Thuân cho biết thêm, ban đầu cơ sở trên được huyện cấp phép đóng tại địa bàn thôn 2A, đến cuối năm 2009, địa phương đã đề nghị huyện tháo dỡ, trục xuất, nhưng không hiểu sao năm 2010, cơ sở này lại được cấp phép hoạt động trở lại tại thôn Hòa Sơn.

 

Xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh có hơn 20.000ha rừng. Các thôn Hòa Sơn, 2A và cửa ngõ vào buôn Kít là địa bàn giáp ranh với rừng tự nhiên. Sự tồn tại và hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Trần Ngọc Thuân, chia sẻ: “Xã chỉ có một cán bộ phụ trách lâm nghiệp nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra. Trong khi đó các hoạt động phá rừng lại thường diễn ra vào ban đêm, chủ yếu là địa bàn thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh. Việc tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ rừng là hết sức khó khăn, do họ không được hưởng quyền lợi gì trong việc giao nhận rừng”. Người dân địa phương cho hay, gỗ lậu được các lâm tặc tập kết về các cơ sở chế biến, sau đó xẻ ra thành phẩm và vận chuyển theo tuyến ĐT649 tỏa đi các nơi. Còn ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh thừa nhận: “Trong khi tình trạng phá rừng trên địa bàn chưa được ngăn chặn triệt để, sự xuất hiện của các cơ sở chế biến gỗ càng gây thêm khó khăn cho địa phương. Để ngăn chặn, đề nghị các ngành chức năng xử phạt nặng và rút giấy phép hoạt động”.

 

Tại buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa nằm trong khu vực Rừng đặc dụng Krông Trai, có đến 3 cơ sở chế biến gỗ được cấp phép hoạt động, dẫn đến tình trạng vận chuyển gỗ lậu, khai thác rừng trái phép trở nên phức tạp. Ông La Chí Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa cho hay: “Cấp phép hoạt động cho các xưởng chế biến trong khu vực rừng đặc dụng là hết sức bất cập, vô tình gây thêm áp lực, gánh nặng cho địa phương”.

 

Tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu tại các địa bàn có cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đang ngày càng diễn biến phức tạp. Lợi dụng giấy phép, các cơ sở này tổ chức các hoạt động thu mua gỗ từ khắp nơi, kể cả các tỉnh lân cận về cưa xẻ ra thành phẩm bán công khai, gây bức xúc trong dư luận.

 

Hai năm trở lại đây, tại địa bàn buôn Gao, xã Ea Lâm; buôn Kít, thôn Hòa Sơn và 2A, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), nạn phá rừng diễn biến phức tạp, thậm chí còn “nóng” hơn bao giờ hết. Theo người dân địa phương, ban ngày lâm tặc “tranh thủ” đốn hạ gỗ bằng cưa lốc, ban đêm tổ chức vận chuyển bằng xuồng máy qua hồ thủy điện Sông Hinh về các cơ sở chế biến gần rừng. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Tại các khu vực rừng gần các cơ sở chế biến, tiếng cưa lốc, máy xẻ reo, rít cả ngày, rất khó kiểm soát”.

 

Ông Trần Ngọc Thuân, cho biết, trong khi đời sống người dân còn khó khăn, việc tồn tại cơ sở thu mua, chế biến gỗ tại chỗ, đã tạo sự kích thích mọi người vào rừng chặt phá. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy là ở địa bàn nào có hoạt động thu mua lâm sản, thì nạn phá rừng càng gia tăng, nặng nhất là lâm phần rừng của Cơ quan quân sự và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện.

 

ghe-1110512.jpg

Một chiếc xuồng chở đầy gỗ hộp nằm chờ cập bến - Ảnh: P.NAM

 

RỪNG GIÁP RANH BỊ TÀN PHÁ

 

Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa nằm trên quốc lộ 25, giáp ranh với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai có 3 cơ sở chế biến gỗ, đều nằm trên địa bàn buôn Thu, nơi được xem là trung tâm của rừng đặc dụng Krông Trai. Tại đây, lâm tặc tổ chức khai thác, mua bán, cất dấu, vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là gỗ hộp. Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai cho biết: “Phần lớn các vụ vận chuyển lâm sản lớn đều xuất phát từ tỉnh Gia Lai qua quốc lộ 25, sông Ba, hay khu vực Đất Bằng xuống đường Phước Tân, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) về TP Tuy Hòa rồi tỏa đi tiêu thụ ở các nơi”. 

 

Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, xã Krông Pa, đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ, phát triển rừng như vận động nhân dân ký cam kết không ra vào, sản xuất dọc theo bìa rừng, sửa đổi quy ước bảo vệ, không đưa phương tiện xe tự chế, máy cày vào rừng… nhưng cũng đã xảy ra 65 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 15 vụ mua bán, cất giấu lâm sản bị phát hiện, xử lý. Nghiêm trọng hơn, trong vòng một năm trở lại đây, tại khu vực bến sông Cà Lúi, thuộc địa bàn buôn Thu, hoạt động vận chuyển gỗ diễn ra rầm rộ. Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hòa cho biết, tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng làm rẫy vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011 có đến 15 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ gỗ, lâm sản trái phép bị phát hiện, lượng gỗ bị tịch thu gần 17m3.

 

Theo quan sát của chúng tôi, tại bến sông Cà Lúi, thuộc địa bàn buôn Thu, xã Krông Pa có hàng chục chiếc xuồng máy nằm chờ đến tối để “ăn hàng”, có chiếc còn chất đầy gỗ hộp nằm giữa lòng sông chờ đêm xuống cập bến. Gần đó, lâm tặc dựng nhiều lán trại ăn ở chờ cơ hội. Điều đáng nói là bến tập kết gỗ chỉ cách các cơ sở chế biến, cưa xẻ gỗ “hợp pháp” chừng hơn 1km. Ông HV. Y Trí, công an viên phụ trách địa bàn cho hay: “Khoảng 6g tối, các xuồng này bắt đầu rời bến, đến chừng 2g sáng hôm sau trở về với đầy gỗ, đủ chủng loại”. Ông Trí cho biết thêm, phần lớn gỗ tập kết về đây là từ địa bàn huyện Krông Năng và rừng bảo tồn Đắk Lắk, vì rừng xã Krông Pa không còn gỗ lớn. Công an xã liên tục phối hợp với các ngành chức năng tuần tra, kiểm soát. Gần đây nhất, vào tháng 9/2010 đã phục kích bắt quả tang một vụ vận chuyển 2m3 gỗ hương tại khu vực này, nhưng xem ra tình hình vẫn không hề giảm.

 

Điều đáng nói là quốc lộ 25, đoạn gần trung tâm xã đến bến sông tập kết gỗ chỉ chừng hơn 500m, khá bằng phẳng, không khác gì đường giao thông liên thôn, nhưng không hiểu sao lâm tặc lại ngang nhiên tổ chức các hoạt động mua bán, vận chuyển gỗ trái phép một cách công khai mà không được ngăn chặn triệt để. 

 

Theo người dân địa phương, các chủ xuồng vận chuyển gỗ phần lớn là người ở TP Tuy Hòa, huyện Sông Hinh và các huyện giáp ranh của các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Họ dựng lán trại ăn ở tại chỗ, vận chuyển, mua bán gỗ gần như công khai, nhất là vào mùa mưa. Ông N.Y.N có rẫy gần bến sông này tiết lộ: “Cứ vào khoảng 2-3g sáng, khi có tiếng ô tô gầm rú là y như rằng sau đó là hoạt động khiêng vác gỗ hộp lên xe diễn ra rầm rộ. Không những loại xe 12 chỗ ngồi, mà cả xe tải lớn cũng được huy động đến đây để vận chuyển gỗ đi các nơi. Ông La Chí Tùng cho biết thêm: “Có đêm hàng chục người cùng nhiều phương tiện vận chuyển gỗ tập kết tại đây đông như hội. Khi bị truy quét, lâm tặc dồn ra giữa sông, hoặc cập bờ bên kia sông Cà Lúi, thuộc địa phận xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa (Gia Lai) và huyện Krông Năng (Đắk Lắk), nên rất khó khăn trong xử lý”.

 

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng – phòng chống chữa cháy rừng huyện Sông Hinh, năm 2010 tình hình vi phạm lâm luật tiếp tục diễn biến phức tạp với 227 vụ, nhất là địa bàn các xã Sông Hinh, Sơn Giang, Đức Bình Đông. Đối tượng chủ yếu là người dân tộc thiểu số trong vùng và một bộ phận dân cư ở các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa. Trong đó khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ lâm sản trái phép 184 vụ, chủ yếu là phá rừng trái phép, tịch thu gần 300m3 gỗ các loại, trong đó gỗ xẻ chiếm hơn 200m3.

 

Bài 2: Giải pháp nào để khắc phục?

 

PHƯƠNG NAM - XUÂN HUY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek