Thứ Năm, 03/10/2024 20:23 CH
Phục hồi môi trường, phát triển tôm đất đầm Ô Loan
Thứ Ba, 03/05/2011 10:00 SA

Ðầm Ô Loan (huyện Tuy An) có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như sò huyết, tôm đất, sò điệp, cua, ghẹ, hàu, cá hồng, cá mú… Trong đó, tôm đất chiếm ưu thế và có tỉ trọng lớn hơn các đối tượng khác. Do môi trường ô nhiễm, lượng tôm đất trong đầm giảm đáng kể. Ðể phục hồi môi trường, phát triển nguồn lợi thủy sản, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

 

TÔM GIẢM DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

 

Tôm đất là đối tượng thủy sản có sức đề kháng cao, sống và phát triển trong điều kiện nhiệt độ 10-400C, độ mặn 0-45%0, thích hợp chất đáy bùn, bùn cát. Thức ăn của tôm đất là mùn bã hữu cơ, xác sinh vật, rong, động vật phù du, động vật đáy, có tác dụng làm sạch môi trường. Những năm từ 1994 trở về trước, hàng năm vào mùa vụ rộ, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, ngư dân khai thác tôm đất tự nhiên từ đầm Ô Loan khoảng 250-300 tấn/năm. Tôm đất tự nhiên ở đầm Ô Loan khai thác có kích cỡ từ 80-120 con/kg, phần lớn được các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản mua làm nguyên liệu để chế biến các mặt hàng tôm bóc nõn, tôm luộc, tôm sống… có giá trị cao.

 

Từ năm 1995 trở về sau, nguồn lợi tôm đất tự nhiên ở đầm Ô Loan giảm dần, những năm gần đây vào mùa vụ rộ, ngư dân chỉ khai thác được 120-150 tấn/năm, chỉ bằng một nửa những năm trước 1994. Ngư dân mưu sinh từ việc khai thác tôm đất tự nhiên trong đầm ngày càng gặp khó khăn, hiệu quả khai thác không cao. Nguyên nhân là nhiều năm liền môi trường sinh thái đầm Ô Loan bị ô nhiễm, nhiều người dân sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh vào nuôi trồng thủy sản quá mức. Đặc biệt, khi phong trào nuôi tôm sú thâm canh phát triển mạnh (1997-2002), một số người khai thác thủy sản trong đầm bằng nghề cào đáy hay xung điện. Phần khác, bà con và các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh đầm xả chất thải sinh hoạt… đã làm xáo trộn nền đáy và hủy hoại hệ sinh vật trong đầm.

 

Ngành Thủy sản Phú Yên và chính quyền địa phương huyện Tuy An đã có nhiều biện pháp nhằm phục hồi môi trường sinh thái đầm Ô Loan. Đó là việc khuyến cáo bà con thực hiện các phương thức nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường, nuôi theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh độc hại vào nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác thủy sản bằng xung điện và cào đáy. Nhờ vậy, vài ba năm trở lại đây môi trường sinh thái đầm Ô Loan đã  phục hồi đáng kể, nhiều đối tượng thủy sản trước đây bị suy giảm nay đã xuất hiện trở lại, trong đó có sò huyết, tôm đất, cua, hàu. Đây là tín hiệu vui đối với bà con ngư dân các xã sống ven đầm Ô Loan cũng như đối với chính quyền địa phương và ngành Thủy sản. Tuy nhiên, sự phục hồi môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan còn khiêm tốn so với những gì vốn có của nó.

 

CẦN GIẢI PHÁP ÐỒNG BỘ

 

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phục hồi môi trường sinh thái và phát triển nguồn lợi thủy sản, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ quản lý đến khoa học kỹ thuật và cả nâng cao ý thức trách nhiệm của con người. Trước hết, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác thủy sản bằng cào đáy, xung điện hay hóa chất. Đồng thời, địa phương cần có quy định cụ thể về các loại nghề khai thác, mùa vụ khai thác, kích cỡ các loại thủy sản được phép khai thác. Những người nuôi trồng thủy sản phải có cam kết với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không sử dụng các hóa chất, thuốc thú y độc hại và bị cấm vào nuôi trồng thủy sản tại đầm Ô Loan. Đầu tư nâng cấp và tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, kịp thời đưa ra các khuyến cáo cho bà con nuôi trồng thủy sản ở đầm Ô Loan để có những ứng xử phù hợp. Ý thức trách nhiệm cộng đồng trong nuôi trồng và khai thác thủy sản của bà con ven đầm Ô Loan cần được nâng cao. Những người tham gia khai thác, nuôi trồng thủy sản và sống ven đầm phải có trách nhiệm giám sát, phát giác, đấu tranh lên án các hành vi xâm hại môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng nên có biện pháp xử lý triệt để các hành vi xả thải tùy tiện các chất thải từ sinh hoạt dân cư xuống đầm. Các đề tài, dự án nuôi trồng thủy sản bền vững, an toàn sinh học, như nuôi tôm kết hợp cá rô phi - rong để cải tạo môi trường, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ (sò huyết, vẹm xanh…) cần triển khai thực hiện. Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi tôm đất ở đầm Ô Loan với các hình thức nuôi thân thiện với môi trường, không sử dụng thuốc thú y và hóa chất độc hại. Hàng năm, cần có sự đóng góp kinh phí mua và thả giống tôm đất vào đầm của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan để góp phần tái tạo và phát triển nguồn lợi tôm đất tự nhiên trong đầm Ô Loan.

 

Kỹ sư NGUYỄN KHẮC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek