Với phương châm đặt chữ Tín lên hàng đầu, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Phú Yên luôn bám sát chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, thực hiện kinh doanh hiệu quả. Ngoài hoạt động kinh doanh, chi nhánh còn chú trọng làm công tác xã hội.
70% vốn của Agribank Phú Yên đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh: N.QUANG |
TẬP TRUNG VỐN CHO NÔNG NGHIỆP
Phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn là chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ, nhằm từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Năm 1999, Chính phủ đã ban hành Quyết định 67 nhằm tăng cường đầu tư vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Với đối tượng khách hàng rộng khắp từ thành thị đến các vùng nông thôn, lại có mạng lưới giao dịch ở hầu hết các địa phương, thời gian qua Agribank Phú Yên đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đầu tư phát triển sản xuất. Thông qua nguồn vốn cho vay của ngân hàng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân đã có điều kiện thuận lợi về vốn, đầu tư kịp thời và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Sau hơn 10 năm triển khai Quyết định 67 của Chính phủ, tổng doanh số cho vay vào khu vực này của Agribank Phú Yên đạt trên 10.000 tỉ đồng, với trên 500.000 lượt hộ vay vốn. Hiện dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 1.842 tỉ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ của chi nhánh, với 68.000 hộ vay, xấp xỉ 1/3 số hộ trên địa bàn tỉnh. Chương trình vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Phú Yên, chi nhánh đang tiếp tục tập trung vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ. Theo đó, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng; các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ được vay đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại vay tối đa 500 triệu đồng.
PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ VÀ LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI
Đến nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 2.100 tỉ đồng, tăng 390 tỉ đồng so với năm 2009, với 10 chi nhánh huyện, thị, thành phố trực thuộc. Trong tổng nguồn vốn đạt được, nguồn vốn huy động từ dân cư đạt 1.600 tỉ đồng. Để đạt được kết quả đó, Agribank Phú Yên đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động vốn từ các thành phần kinh tế, như: huy động kỳ phiếu dự thưởng, tiết kiệm dự thưởng... Bên cạnh đó, công tác điều hành lãi suất cũng được triển khai linh hoạt, với uy tín và sản phẩm đa dạng nên tốc độ tăng tiền gửi dân cư vẫn cao, đã góp phần tạo ra nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực tài chính... của chi nhánh.
Công tác dịch vụ và marketing cũng được chi nhánh thực hiện tốt, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến với khách hàng. Đến nay, Agribank Phú Yên đã lắp đặt 14 máy ATM, 22 máy POS merchant và 20 máy POS bank tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố; phát hành 63.000 thẻ ATM, chiếm 30% thị phần sản phẩm thẻ trên địa bàn tỉnh; ký hợp đồng với Kho bạc Nhà nước và Cục Thuế tỉnh triển khai việc thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; triển khai mạnh mẽ ebanking, thực hiện hợp tác toàn diện với các cơ quan, doanh nghiệp… Ngoài ra, thời gian qua, Agribank Phú Yên cũng thực hiện tốt hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện. Từ đầu năm đến nay, Agribank Phú Yên đã tài trợ bạc lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1 tỉ đồng), tài trợ chính chương trình Tiếp bước đến trường tỉnh Phú Yên (30 triệu đồng), hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng nhà đại đoàn kết và nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo trên địa tỉnh…
VÂN NGUYÊN